Đảm bảo an toàn Lễ hội đền Kim Liên

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/4, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra Lễ hội truyền thống di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn - đền Kim Liên (gọi tắt Lễ hội đền Kim Liên) diễn ra vào ngày 24/4 (tức ngày 16 tháng 3, âm lịch).

Hàng năm, Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3, âm lịch (ngày sinh của Đức thần Cao Sơn), nhằm tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn tới vị thần có công với nước được Nhân dân tôn thờ.

Đền Kim Liên - Thăng Long Tứ Trấn. Ảnh: Lại Tấn
Đền Kim Liên - Thăng Long Tứ Trấn. Ảnh: Lại Tấn

Sau phần nghi lễ, rước kiệu, hội đền Kim Liên có nhiều trò chơi dân gian truyền thống thể hiện nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được các thế hệ con người nơi đây trân trọng, giữ gìn và trao truyền cho các thế hệ nối tiếp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và giữ gìn thuần phong mỹ tục của vùng đất phía Nam của kinh thành Thăng Long xưa.

Với ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ tiêu biểu, ngày 18/1/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 12) của cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Khuôn viên, tiểu cảnh khu vực lễ hội được trang trí đẹp mắt. Ảnh: Lại Tấn
Khuôn viên, tiểu cảnh khu vực lễ hội được trang trí đẹp mắt. Ảnh: Lại Tấn

Năm nay, Lễ hội đền Kim Liên năm 2024 diễn ra vào ngày 23 và 24/4, trong đó toàn bộ phần lễ chính được tổ chức vào ngày 24/4 (tức ngày 16 tháng 3, âm lịch).

Phó Chủ tịch UBND phường Kim Liên, Trưởng ban Quản lý di tích Trần Vũ Đại cho biết, lễ hội truyền thống đền Kim Liên có các phần lễ và hội. Phần lễ sẽ được tổ chức vào 6 giờ sáng ngày 24/4 với các đội tế thực hiện nghi thức rước kiệu. Sau phần đọc chúc văn, đánh trống khai hội là màn sử thi về Thần tích Cao Sơn Đại Vương.

Kiệu rước sẵn sàng trước lễ hội. Ảnh: Lại Tấn
Kiệu rước sẵn sàng trước lễ hội. Ảnh: Lại Tấn

“Chúng tôi đã có sơ đồ đoàn rước và các phương án dự phòng để bảo đảm trật tự đô thị, không gây ùn tác giao thông. Bên cạnh đó, để Nhân dân về dự hội, Ban tổ chức đã bố trí các khu vực trông giữ xe, đó là đường Đào Duy Anh, cổng trường tiểu học Kim Liên. Các phương án phòng cháy, chữa cháy cũng đã được sẵn sàng ứng phó trong các tình huống phát sinh” - ông Trần Vũ Đại cho biết.

Để công tác lễ hội diễn ra bảo đảm an toàn, văn minh, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình - Sở VH&TT Hà Nội Bùi Minh Hoàng đề nghị, do khu vực diễn ra lễ hội nằm trên một trong những nút giao thông quan trọng và khá đông vào giờ cao điểm nên BTC cần phải có các phương án phân luồng, bảo đảm giao thông trật tự của khu vực. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ cần phải được kiểm tra thường xuyên, nhất là khi Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng.