70 năm giải phóng Thủ đô

Đảm bảo ATTP: Thách thức lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/7, Ban Kinh tế T.Ư, Bộ NN&PTNT cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Nông nghiệp an toàn: Giải pháp thúc đẩy thực thi trách nhiệm trong chuỗi giá trị nông nghiệp”.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp về ATTP trong sản xuất nông nghiệp đã được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Toàn cảnh hội thảo Nông nghệp an toàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh hội thảo Nông nghệp an toàn. Ảnh: Khắc Kiên
Mỗi năm thiệt hại 14 triệu USD do nông sản xuất khẩu không đạt

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công Thương, hơn 80% sản lượng chè xuất khẩu sang các nước trên thế giới nhưng không gắn thương hiệu chè của Việt Nam. Mặc dù, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, song thực tế tại nước ngoài vẫn chưa có sản phẩm cà phê mang thương hiệu Việt Nam theo đúng nghĩa. Thậm chí, nhiều sản phẩm xuất khẩu bị các nước châu Âu và các quốc gia trên thế giới trả lại sau xuất khẩu. Năm 2013, sản phẩm chè bị các nước châu Âu trả về do tồn dư chất bảo vệ thực vật (BVTV), trước đó sản phẩm thanh long cũng bị Mỹ cấm thông quan do vượt ngưỡng các chất BVTV cho phép; Hơn 500 container gạo thơm bị trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng... Trung bình mỗi năm, Việt Nam thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng nông sản xuất khẩu không đạt chất lượng bị trả lại.

Ngay thị trường trong nước, tình trạng mạo danh, trà trộn thực phẩm bẩn với sản phẩm sạch cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý. Mới đây nhất, là câu chuyện lợn VietGAP Đồng Nai bị mạo danh. Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, hơn 80 con lợn nhiễm chất cấm đã đội lốt lợn VietGAP Đồng Nai để đưa ra thị trường. Điều này cho thấy, chính phương thức sản xuất tùy tiện cùng với việc kiểm soát thiếu chặt chẽ của các ngành chức năng đã làm xấu đi hình ảnh nông sản Việt trên thị trường trong nước và thế giới. Trong khi đó, tình trạng sản xuất mất an toàn thực phẩm (ATTP) cũng đang ở mức báo động, bởi trên 80% lượng thuốc BVTV không được người sản xuất sử dụng đúng cách, vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản - Bộ NN&PTNT, hiện nay, mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm vẫn ở mức cao. Kết quả đợt cao điểm kiểm tra giám sát ATTP vừa qua (từ tháng 10/2015 - 2/2016) cho thấy: Trên 5% mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV vượt tiêu chuẩn cho phép; 2% mẫu thịt có chứa chất cấm; 7% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm vượt giới hạn; Trên 20% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối các tiêu chuẩn về ATTP.

Quyết đẩy lùi thực phẩm bẩn

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sản phẩm không an toàn thì sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay và sản phẩm của Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với sản phẩm nước ngoài. Hệ quả tất yếu là sẽ không thể có nền nông nghiệp bền vững nếu không có ATTP. Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bày tỏ lo ngại, nếu sản xuất trong nước không đảm bảo ATTP thì chắc chắn sản phẩm xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng và Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu nông sản. Hội nhập nông sản Việt Nam đang đứng trước 2 thách thức lớn là vệ sinh ATTP và biến đổi khí hậu. Do đó, hướng sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn đối với thị trường trong nước và xuất khẩu là yêu cầu tất yếu hiện nay.

Đáng nói, việc một số mặt hàng nông sản bị trả hoặc cấm nhập khẩu không chỉ đơn thuần là sự cố trong kinh doanh mà đã trở thành tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư tham gia vào các mô hình sản xuất công nghệ cao, sản xuất thực phẩm sạch đang gặp rất nhiều khó khăn bởi nguyên nhân người tiêu dùng không thể phân biệt thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn. “Việt Nam cần xây dựng thành công chuỗi liên kết đảm bảo khép kín theo quy trình từ sản xuất đến phân phối, cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Chỉ khi người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm an toàn thì các nhà đầu tư mới sẵn sàng bỏ vốn tham gia vào sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp an toàn” - bà Phượng nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cần xác định rõ các đối tượng dễ gây ra mất ATTP trong sản phẩm nông nghiệp, đó là: Nhóm sản xuất và nhóm phân phối. Vừa qua, Cục Chăn nuôi đã phát động phong trào “nói không với chất cấm” tới hơn 10 triệu hộ chăn nuôi trên cả nước. Sau hơn 2 tháng triển khai, đến nay đã có hơn 500.000 hộ, trang trại tại 42 tỉnh, thành ký cam kết không sử dụng chất cấm với Chủ tịch UBND cấp huyện.

Đối với các DN với vai trò phân phối, Cục đã yêu cầu tất cả các DN cam kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật an toàn với cơ quan quản lý nhà nước và nông dân. Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ kiến nghị với Quốc hội sửa đổi một số điều quy định trong Bộ Luật Hình sự liên quan đến lĩnh vực ATTP với mục tiêu đẩy lùi tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.