Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 6/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.Bổ sung hai thiết chế hiến định độc lập.

Thảo luận tại tổ, đa số các ý kiến nhất trí với Tờ trình về sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị - Ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị An phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, để hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thật sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài, nhiều ĐB cho rằng cần đánh giá cụ thể báo cáo sau 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 vì đây là cơ sở để sửa đổi. Đồng ý với việc bổ sung hai thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước, theo nhiều ĐB, đây là điểm mới cần đưa vào và xác định rõ vị trí trong hệ thống chính trị.

Làm rõ hơn quyền công dân

Nhiều ĐBQH tâm đắc với điểm tiến bộ vượt bậc trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này là có điều về "quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Tuy nhiên, các ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội), Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đề nghị, Dự thảo phải quy định cụ thể để dân có quyền bình đẳng và dân chủ thực sự, cũng như quy định một cách cụ thể về quyền con người, quyền công dân và nghĩa vụ của công dân với Nhà nước.

Nên có sự công bằng cho các thành phần kinh tế

Liên quan đến nội dung các thành phần kinh tế trong Dự thảo sửa đổi, ĐB Nguyễn Hữu Quang (đoàn Thanh Hóa) đề xuất: Phải nhìn vào thực tế hiện nay là kinh tế Nhà nước đang dần thu hẹp lại do tính hiệu quả và sự phát triển các thành phần kinh tế khác. Do đó, Hiến pháp nên coi tất cả các thành phần kinh tế là bình đẳng và không nên nhấn mạnh đến thành phần kinh tế nào.

Góp ý vào vấn đề ngân sách Nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) đề nghị làm rõ ngân sách T.Ư, địa phương, không nên gọi chung chung là ngân sách Nhà nước như lâu nay. Phải quy định quyền tự chủ của chính quyền về ngân sách, cái gì của địa phương là của địa phương, phải rạch ròi ra thì mới tái cơ cấu đầu tư công được. Phải làm rõ ngân sách Nhà nước khác với ngân sách quốc gia. Nhiều ĐB cho rằng, không nên để Quốc hội quyết chính sách tiền tệ. Hiến pháp sửa đổi cần làm rõ điều này.

Đồng tình điều khoản Chủ tịch nước là người thống lĩnh và bổ nhiệm lực lượng vũ trang, nhưng các ĐBQH đề nghị cân nhắc từ "thống lĩnh". ĐB Nguyễn Đình Quyền lưu ý: Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác chưa được làm rõ và cần kế thừa Hiến pháp trước đây, chứ không phải chỉ quy định như chức năng, nhiệm vụ.

Các ĐB cho rằng, nội dung chính quyền địa phương gần như chưa được đề cập trong Hiến pháp sửa đổi. Tổ chức đô thị như thế nào cũng chưa được đề cập. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đề xuất: Dự thảo nên có điều khoản quy định về chính quyền đô thị. Với chính quyền địa phương, cũng nên thống nhất việc có hay không có HĐND cấp quận, huyện (đang thí điểm bỏ) và lưu ý đến cơ quan giám sát.

Đồng tình với nội dung được đưa ra trong Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần tổ chức thực hiện làm sao tập trung được trí tuệ toàn dân trong xây dựng Hiến pháp, phải có cơ chế tiếp thu các luồng ý kiến để sửa đổi tốt hơn, đồng thời loại bỏ những ý kiến không mang tính xây dựng.

“Sửa đổi Hiến pháp là việc hệ trọng, do đó các đại biểu cần dành thời gian tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ và đề xuất ý kiến. Các đại biểu phải thảo luận kỹ, lý luận thật chắc, lắng nghe, tập hợp ý kiến toàn dân và đi đến một sự đồng thuận để thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng