Đảm bảo đủ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công thương Hà Nội sẽ đảm bảo đủ lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng sốt giá.

Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội với lãnh đạo UBND TP Hà Nội tại buổi họp về công tác cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2016 và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 diễn ra ngày 8/12.
Người tiêu dùng lựa chon mua hàng tại siêu thị Hapro.  Ảnh  Như Ý
Người tiêu dùng lựa chon mua hàng tại siêu thị Hapro. Ảnh Như Ý
Sở Công Thương Hà Nội dự báo, trong những tháng cuối năm, mức tiêu thụ hàng hóa sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm. Để đáp ứng nhu cầu này các DN tham gia chương trình bình ổn giá và DN sản xuất kinh doanh thương mại, làng nghề trên địa bàn Hà Nội sẽ chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá 15.000 tỷ đồng. Trong đó các DN tham gia bình ổn giá dự trữ lượng hàng hóa trị giá 2.566 tỷ đồng. Cụ thể gạo trắng thường 34.500 tấn; thịt lợn 5.740 tấn; thịt gà 2.453 tấn; trứng gia cầm 38,4 triệu quả; thủy hải sản đông lạnh 1.020 tấn; dầu ăn 8.150 lít; rau củ 32.800 tấn; thực phẩm chế biến 2.400 tấn; bánh mứt kẹo Tết 847 tấn; sữa nước 5,3 triệu lít... UBND TP Hà Nội đã phê duyệt cho 10 DN được tạm ứng hơn 236 tỷ đồng với lãi suất 0% để thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác bình ổn giá trên địa bàn. Đến nay UBND TP Hà Nội đã giải ngân 60% tổng số kinh phí bình ổn giá cho 9/10 DN thực hiện dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường những tháng cuối năm.

Riêng Công ty CP Hiway mặc dù đã được UBND TP đồng ý tạm ứng vốn dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, nhưng do DN này thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng thu hẹp quy mô hoạt động hệ thống siêu thị nên đã có văn bản không tham gia chương trình. “Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa bình ổn giá, liên Sở Công Thương - Tài Chính đã điều chuyển số tiền này sang Tổng Công ty Thương mại Hà Nội dự trữ và thực hiện bình ổn thị trường đối với 7 nhóm hàng thiết yếu. Đồng thời, Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội và Công ty TNHH 2 - 9 Hà Tây mặc dù không nhận kinh phí bình ổn giá nhưng vẫn đăng ký tham gia chương trình” - đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Nhằm đưa hàng bình ổn giá, hàng Việt tới tay người tiêu dùng, theo kế hoạch từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân, các DN sẽ bán hàng tiêu dùng thiết yếu tại 1.164 điểm bán hàng, tổ chức 2 phiên chợ Việt, 3 Tuần hàng Việt và 130 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội còn đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, kinh doanh trái phép và kinh doanh có điều kiện, công tác kiểm tra chương trình bình ổn giá…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các DN trong quá trình tổ chức Phiên chợ Việt và Tuần hàng Việt cũng như các chuyến bán hàng lưu động nên tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của từng địa phương, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể về cơ cấu và giá trị hàng hóa từng chuyến hàng. UBND các quận, huyện, thị xã cần giới thiệu địa điểm bán hàng và bếp ăn tập thể của các đơn vị, DN trường học trên địa bàn tới DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, qua đó DN đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần