Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 29/11/2013 (tại Kỳ họp thứ 6) và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014. Sau hơn 8 năm tổ chức triển khai, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây nhiều cản trở, vướng mắc trên thực tế.
Dự thảo Luật được xây dựng công phu, chi tiết
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các ý kiến nhận xét, Dự thảo Luật lần này được Ban soạn thảo xây dựng công phu, chi tiết; bổ sung, sửa đổi nhiều điều, khoản hơn so với dự thảo trước. Dự thảo lần này đã thể chế hóa căn bản các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị Trung ương V khóa XIII.
Đó là: Hoàn thiện các chế định về quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 3 cấp, gắn kết với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển; Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, thu hồi đất, bồi thường tái định cư, cho thuê đất; chủ yếu giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư; Giải quyết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất, Nhà nước, nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.
Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện các quyền của chủ sử dụng đất: quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; mở rộng hạn mức, đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thúc đẩy thương mại hoá quyền sử dụng đất thông qua cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp quyền sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai; Hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường đảm bảo công khai, minh bạch, sự giám sát của HĐND; các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, địa tô tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư mang lại, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang
Đặc biệt, Dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; Chế định về Tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 115 Dự thảo) cùng các cơ chế góp quyền sử dụng đất để thúc đẩy tập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế xã hội…
Tránh tình trạng lợi dụng, lạm quyền, đưa ra các dự án ma
Tuy nhiên, các ý kiến đề xuất cần làm rõ hơn ở Điều 4 về áp dụng pháp luật. Theo đó, Nhà nước cần có hướng dẫn và quy định rõ, cụ thể về trình tự thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Về áp dụng giá đất bồi thường, bồi hoàn tái định cư, hỗ trợ cho người sử dụng đất bị thu hồi theo tinh thần ích nước lợi nhà; tránh tình trạng lợi dụng, lạm quyền, đưa ra các dự án ma, không có thực nhằm thu hồi đất của dân với giá rẻ, song chia lô bán với giá cao cắt cổ nhằm thu lợi cá nhân, lợi ích nhóm. Từ đó, nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân với cán bộ, đồng thời cũng phát sinh tham ô, tham nhũng, mất lòng tin đối với Nhân dân.
Về chính sách giá bồi thường đất phải được tính toán kỹ lưỡng, hợp lý, hợp tình; phải công khai dân chủ, công bằng để đảm bảo lợi ích chung của nhà nước và lợi ích của người bị thu hồi đất. Về giá đất hàng năm phải được công khai rõ ràng, khung giá đất phải tương ứng sát với giá thị trường và vị trí đất cũng phải được xác định rõ ranh giới để tránh thắc mắc, tạo niềm tin cho dân tự giác chấp hành tốt hơn…
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất, liên quan thu hồi đất, trưng dụng đất, Dự thảo đã quy định cụ thể, chi tiết những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất. Căn cứ, thẩm quyển thu hồi đất và quy trình thu hồi đất và trình tự thủ tục bồi thường hỗ trợ tái định cư thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên còn một số quy định chưa rõ ràng, khó thực hiện.
Về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Dự thảo đã quy định hợp lý, sát thực tiễn, xử lý nhiều bất cập, vướng mắc của Luật Đất đai hiện hành về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. “Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần cụ thể hóa tiêu chí “Điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” quy định tại khoản 2 Điều 89 để cho quy định này được thực hiện trong thực tiễn; đồng thời, bổ sung câu “đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất” vào sau cụm từ “của pháp luật” tại khoản 5 Điều 89” - Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất.