Đảm bảo quyền lợi xét tuyển đại học cho thí sinh được đặc cách tốt nghiệp

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6-7/8. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, trong khi đó, một số địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Làm đơn đề nghị xét đặc cách đúng hạn
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, dự kiến có khoảng 10.000 thí sinh được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Trong số đó, số ít thí sinh đã xét tuyển bằng các phương thức khác, còn hàng chục nghìn em được đặc cách nhưng chưa có căn cứ điểm để xét tuyển ĐH, CĐ.
Văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu rõ, với những trường hợp thí sinh diện F0, F1, F2  hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và nơi bị phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của ngành Y tế sẽ được xem xét đặc cách tốt nghiệp.
Tại Hà Nội, sau khi TP quyết định không tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 do đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi và đề nghị các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX thông báo tới các đối tượng quy định nếu có nguyện vọng được xét đặc cách tốt nghiệp THPT làm đơn đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp. Những thí sinh diện này điền đầy đủ thông tin theo mẫu, gửi file ảnh đơn đề nghị về email của đơn vị nơi thí sinh đăng ký dự thi chậm nhất ngày 30/7/2021.
 Một số địa phương không tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2, trong đó có Hà Nội
Ngoài ra, các đơn vị, trường học cũng thông báo tới thí sinh thông tin: Bộ GD&ĐT đã đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) cho các thí sinh có nguyện vọng. Đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học có các phương thức tuyển sinh khác để xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021, tạo cơ hội thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Huyện Mỹ Đức (Hà Nội) là đơn vị có 154 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2; trong đó 149 thí sinh là học sinh của trường THPT Mỹ Đức B. Thầy Vũ Trí Thức - Hiệu trưởng trường THPT Mỹ Đức B cho biết, sau khi nhận được văn bản thông báo của Phòng và Sở, trường đã gửi thông báo này đến toàn bộ 149 học sinh để các em và gia đình nắm được, làm thủ tục gửi đơn đề nghị xét đặc cách theo đúng quy định. Với những em có nguyện vọng được xét tuyển ĐH, CĐ, trường cũng đã thông tin rõ là các em chờ và theo dõi thông báo của trường ĐH Quốc gia Hà Nội về kỳ thi ĐGNL hoặc thông tin xét tuyển của các trường ĐH khác. Dẫu biết vậy nhưng khi các bạn thi đợt 1 đã biết điểm thi còn mình thì chưa biết sẽ thi ĐGNL như thế nào, thời gian là bao giờ, mức độ đề ra sao…  nên các em không tránh khỏi tâm lý sốt ruột”.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ cho hay: Huyện có 4 trường hợp đăng ký thi đợt 2 và sẽ được xem xét đặc cách tốt nghiệp gồm 2 học sinh ở trường THPT Lâm nghiệp, 1 học sinh ở trường THPT Chương Mỹ A và 1 học viên Trung tâm GDTX. Các thông báo của Sở GD&ĐT đã được truyền đạt đầy đủ về các trường để các em nắm được. Điều quan trọng bây giờ là các em bình tĩnh chờ đợi, cố gắng củng cố kiến thức và theo dõi, tìm hiểu thông báo của các trường xét tuyển bổ sung bằng hình thức xét tuyển khác và Kỳ thi ĐGNL của 2 trường ĐH Quốc gia”.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường chủ động
Với phương châm đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh đặc cách tốt nghiệp được xét tuyển ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị các trường phát huy tự chủ trong tuyển sinh nhưng cần có phương án chung trên toàn hệ thống, có thể dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do 2 Đại học Quốc gia tổ chức, hoặc dựa trên xét tuyển học bạ đối với các thí sinh diện này. Các trường để lại chỉ tiêu sao cho công bằng, vừa đảm bảo quyền lợi cho thí sinh đặc cách vừa đảm bảo công bằng cho thí sinh tham gia xét tuyển chung tới đây. Đặc biệt, phải tính toán phù hợp với tỷ lệ thí sinh đặc cách và vùng tuyển chủ yếu của các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ trưởng lưu ý, tới đây bộ phận chuyên môn cần bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường sẽ tính toán để dành chỉ tiêu riêng cho những thí sinh thuộc diện đặc cách.
 Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh
Về phương án tuyển sinh, cơ bản các trường áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, kết quả kỳ thi ĐGNL của 2 ĐH Quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phương án xét tuyển. Riêng với kỳ thi ĐGNL, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia và các địa phương để tính toán địa điểm, thời gian tổ chức hợp lý, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng cho thí sinh.
Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia để có dữ liệu chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể tham gia xét tuyển chung.  Thứ trưởng lưu ý, các trường cần tính đến điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL; đồng thời, tính đến trường hợp thí sinh không tham dự kỳ thi này để chủ động trong phương án xét tuyển cho các em.
Với những trường tổ chức thi năng khiếu, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị gửi thông tin, Bộ sẽ tổng hợp số liệu và làm việc với các trường để có giải pháp thoả đáng, phù hợp thực tiễn.
Sau khi tổ chức thi đợt 2 - Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ có hướng dẫn điều chỉnh lịch tuyển sinh, đảm bảo phù hợp với các trường và đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Lịch tuyển sinh sẽ không quá muộn để đảm bảo kế hoạch tuyển sinh, nhập học của thí sinh và nhà trường.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần