Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo tiến độ thực hiện xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sáng 3/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chủ trì Hội nghị giao ban BCĐ về tiến độ triển khai thực hiện dự án trên địa bàn TP.

Tham gia cuộc làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hoàng Trọng Quyết, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc.

Đã giải phóng mặt bằng đạt 86,49% diện tích đất thu hồi

Theo báo cáo tại cuộc làm việc, đối với kết quả giải phóng mặt bằng, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn trên địa bàn TP Hà Nội dài khoảng 59,2km đi qua 7 quận/huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín). Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là 793,80ha. Tính đến ngày 28/7/2023, các quận/huyện đã giải phóng mặt bằng xong 686,54/793,80ha (đạt 86,49% diện tích đất thu hồi). Ngoài ra, để thực hiện dự án, cần phải di chuyển 10.034 ngôi mộ. Tính đến ngày 28/7/2023, các quận/huyện đã di chuyển 6.258 ngôi mộ (đạt tỷ lệ 62,37%).

Đối với công tác di chuyển điện cao thế từ 110KV - 500KV trong phạm vi Dự án: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã trình Sở Công Thương thẩm định. Sở Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, Sở, ngành và đến nay đã có 7/23 đơn vị có ý kiến. Dự kiến Sở Công Thương sẽ ra thông báo thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trong tháng 8/2023.

Về công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư, có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất ở thực hiện dự án. Đến nay có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan.

Đối với tình hình cung ứng vật liệu phục vụ thi công dự án, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của Dự án thành phần 2.1 và thiết kế cơ sở của các Dự án thành phần 2.2, 2.3 và Dự án thành phần 3, nhu cầu vật liệu toàn dự án trên địa bàn 3 tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh): đất đắp K98, K95, đắp bao là 12,191 triệu mét khối; cát đắp K95, cát xử lý nền đất yếu 8,711 triệu mét khối.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Ban QLDA, đơn vị tư vấn đã phối hợp với Sở TN&MT và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án, cập nhật số liệu khảo sát của các mỏ vật liệu khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án. Ban QLDA đã có báo cáo về tình hình khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp, cát đắp phục vụ thi công Dự án.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án thành phần 2.1, các nhà thầu thi công, doanh nghiệp cung cấp cũng đã có các văn bản đề nghị bổ sung, chấp thuận đưa các mỏ vật liệu vào hồ sơ khảo sát phục vụ Dự án. Ban QLDA và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các mỏ vật liệu vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án…

Quang cảnh cuộc làm việc.
Quang cảnh cuộc làm việc.

Quyết liệt công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia. Quốc hội, Chính phủ, Bộ Chính trị tin tưởng giao cho Hà Nội là cơ quan đại diện phối hợp với 2 tỉnh triển khai. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự. Thời gian qua, TP đã triển khai quyết liệt và bước đầu đáp ứng được yêu cầu đề ra, đã khởi công dự án vào ngày 25/6.

Quá trình triển khai sau khởi công, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, việc tiếp tục triển khai dự án đang bị chậm lại một chút bởi giải phóng mặt bằng luôn là một việc khó khăn. Đặc biệt là tại Hà Nội, đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, diện tích giải phóng mặt bằng không lớn nhưng liên quan nhiều đến các hộ dân và một số vị trí giải phóng mặt bằng còn khó khăn.

Nhấn mạnh theo yêu cầu, dự án phải cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng, Bí thư Thành ủy đề nghị, thời gian tới, các quận, huyện tiếp tục quyết liệt trong công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng, nhất việc di chuyển mộ. Đồng thời, tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, bảo đảm các yếu tố sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.

Quan tâm đến rà soát, kiểm đếm, khung giá đất để bảo đảm triển khai tái định cư, có phương án tạm cư nếu các dự án chưa bảo đảm tiến độ, hạ tầng khi đầu tư chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng đủ điều kiện sống của người dân; có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quy hoạch, triển khai tiếp đó. “Quá trình triển khai không được làm mất quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo mặt bằng thực hiện dự án” - Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Đối với thi công các công trình ngầm, nổi, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các sở, ngành, quận/huyện phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn thành hồ sơ trình thẩm định để thực hiện theo quy định.

Đối với Dự án thành phần 3, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, các đơn vị liên quan hoàn thành xong phần thẩm định và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành TP với các địa phương; giữa địa phương với địa phương và sở, ngành TP với các cơ quan Trung ương. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thoát, lãng phí.

Đối với các kiến nghị của các đơn vị, địa phương, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP quan tâm, chỉ đạo sát sao để có hướng giải quyết và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện. Tăng cường vận động, đối thoại với Nhân dân để giải quyết những vấn đề ngay từ cơ sở, tránh tạo điểm nóng...