Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Hà Nội: Quản lý chặt mô tô, xe máy

Hòa Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 5 chiến lược chính của Kế hoạch tổng thể an toàn giao thông (ATGT) đường bộ Hà Nội do các chuyên gia đến từ Hàn Quốc xây dựng, chiến lược đảm bảo ATGT xe máy được coi là giải pháp căn bản và quan trọng.

Giảm thiểu mô tô, xe máy để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Thanh Hải
Ngày 23/10, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo báo cáo cuối kỳ Kế hoạch tổng thể ATGT đường bộ TP Hà Nội. Hội thảo có sự góp mặt của nhiều chuyên gia và đại diện đến từ Bộ Cơ sở Hạ tầng, Đất đai và Giao thông Hàn Quốc.
Quản lý chặt phương tiện

Sau khi dày công nghiên cứu thực tế, TS Changhwan Mo – Chuyên gia cao cấp của Viện Giao thông Hàn Quốc (KOTI) đã đưa ra 5 chiến lược nhằm đảm bảo ATGT đường bộ của Thủ đô gồm: Đảm bảo cơ sở hạ tầng đường bộ an toàn; Đảm bảo môi trường đường bộ an toàn; Cải thiện hành vi người tham gia giao thông; Cải thiện hệ thống quản lý ATGT và ATGT xe máy.

TS Changhwan Mo cho biết, Thủ đô Seul cũng từng gặp phải các vấn đề về giao thông đang tồn tại như ở Hà Nội. Ban đầu, Hàn Quốc đề ra chính sách xử lý bằng cách xây dựng và mở rộng đường, tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, đã chuyển sang ưu tiên phát triển giao thông công cộng và tăng cường quản lý giao thông nhằm giảm tai nạn và ùn tắc. Thực tế cho thấy, giải pháp này đã phát huy được hiệu quả cao.
Việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở Việt Nam mới áp dụng đối với ô tô nhưng tỷ lệ khí thải của xe máy không phải ít. Do đó, kiểm soát khí thải xe máy là điều rất cần thiết. 

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng
Chuyên gia đến từ Hàn Quốc cho rằng, giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông nên được coi là chiến lược chính trong kế hoạch ATGT của Hà Nội. Đặc trưng của giao thông Hà Nội cũng như ở Việt Nam hiện nay là xe máy chiếm tỷ lệ lớn. Đây cũng là phương tiện chính gây ra TNGT cao nhất (60% tính trên phương diện toàn quốc).

Chuyên gia Hàn Quốc phân tích thêm, vấn đề quản lý niên hạn xe máy ở Việt Nam còn nhiều bất cập, như hệ thống đăng ký xe máy không phù hợp. Điều này dẫn tới tình trạng sở hữu xe máy không đăng ký chính chủ khi sang nhượng và còn tồn tại trường hợp người điều khiển xe máy chưa có bằng lái. Do đó, việc xử lý vi phạm dựa trên biển số xe gặp khó khăn; tỷ lệ sử dụng phương tiện xe máy cũ còn cao. Từ hiện trạng trên, cần thay đổi phương thức cấp mới đăng ký xe máy như có thể cấp mới đăng ký một lần, giai đoạn cấp mới là 2 năm và gia hạn thêm 6 năm; xây dựng hệ thống kiểm tra xe máy định kỳ, trong đó có quy định cụ thể về tiêu chuẩn vận hành đối với xe máy. Đây là cách làm mà nhiều nước phát triển trên thế giới đang áp dụng.

Kiểm soát khí thải xe máy

Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, hiện nay, tỷ lệ xe máy cũ vẫn được sử dụng còn cao, tuy nhiên lại chưa có quy định cụ thể nào về niên hạn của loại phương tiện này. Đồng ý với chủ trương kiểm soát khí thải xe máy nhưng ông Khuất Việt Hùng cho rằng cần được tiến hành từng bước. “Hiện nay, mỗi năm có khoảng 60.000 người chết vì các căn bệnh liên quan không khí. Tình trạng ô nhiễm không khí do nhiều nguồn gây ra, trong đó có nguồn khí thải của các phương tiện giao thông” - ông Hùng cho hay và khuyến nghị, có thể đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2020 tiến hành kiểm soát khí thải đối với mô tô loại từ 175 phân khối trở lên. Điều này sẽ dễ thực hiện vì lượng phương tiện loại này chưa nhiều. “Thực hiện kiểm định khí thải với số xe ít sẽ có điều kiện quan sát, lắng nghe ý kiến người dân sao cho thấy hợp lý, thủ tục đơn giản, chi phí hợp lý và khẳng định việc làm đó có lợi cho dân và cái chung” - ông Hùng nói.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, thời gian qua, TP đã đầu tư xây dựng, tổ chức triển khai nhiều giải pháp chống ùn tắc. Trong đó, nhanh chóng triển khai các dự án xuyên tâm, ban hành Nghị quyết 04 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ giảm ùn tắc ô nhiễm Hà Nội". Tuy nhiên, hiện trạng giao thông của Hà Nội cũng cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo trật tự ATGT bền vững trong thời gian tới.