Coi trọng công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển kinh tế
Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Nội vụ cho biết, việc biên soạn bộ Lịch sử Chính phủ Việt Nam giai đoạn (1945 - 2015) có ý nghĩa quan trọng nhằm phản ánh tương đối toàn diện, đầy đủ, chính xác, trung thực, có hệ thống quá trình ra đời, phát triển về tổ chức, hoạt động của Chính phủ cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Nhà nước của Chính phủ, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thứ trưởng Triệu Văn Cường, vai trò, vị trí của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế qua mỗi thời kỳ của đất nước đã được khẳng định như một thông điệp về vai trò chủ đạo của Chính phủ trong việc hoạch định chính sách về kinh tế, nhằm điều tiết có hiệu quả, tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp và cá nhân, tạo thuận lợi cho việc cung cấp những dịch vụ, cơ sở hạ tầng công thiết yếu. Thành công của Việt Nam trong việc chuyển đổi nhanh chóng thành quốc gia có thu nhập cao trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội một cách có hiệu quả. Vì vậy, cần thiết kế, sắp xếp thể chế tốt nhất để đảm bảo nhà nước và thị trường bổ sung cho nhau nhằm đạt được các mục tiêu cốt lõi của Chính phủ Việt Nam đề ra.
35 năm qua (tính từ Đại hội VI của Đảng năm 1986), trên cơ sở vừa tìm tòi từ thực tiễn cải cách, đổi mới, phát triển kinh tế, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các quốc gia có nền kinh tế thị trường trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển, Chính phủ Việt Nam đã rất coi trọng công tác xây dựng thể chế, chính sách về quản lý và phát triển kinh tế.
Các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của mình. Thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quan trọng của quốc tế đều được cải thiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã trao đổi, đánh giá các vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và phát triển kinh tế; những bài học kinh nghiệm…
"Chốt" mô hình phát triển phù hợp
Theo nguyên Thứ trưởng Nội vụ Thang Văn Phúc, lịch sử có 3 giai đoạn rất rõ. Cụ thể, giai đoạn năm 1945 - 1954, mục tiêu vận hành của Đảng, Chính phủ chủ yếu là phục vụ cho chiến trường.
Giai đoạn 1955 - 1975, giai đoạn chống Mỹ, có hai nhiệm vụ, vừa làm hậu phương lớn cho miền Nam, vừa làm nhiệm vụ phát triển miền Bắc. Mô hình nhà nước lúc đó phù hợp để thực hiện sứ mệnh lịch sử kháng chiến giải phóng. Bài học tập trung kế hoạch hóa của chúng ta lúc này đã huy động được sức mạnh của cả dân tộc cho mục tiêu này.
Giai đoạn 1976 - 1986, vẫn duy trì mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Điều đó chứng tỏ mô hình này không phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước và tự chúng ta lựa chọn con đường đổi mới năm 1986.
Theo ông, mô hình mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay chuyển sang kinh tế thị trường từng bước. Đến năm 2011, Hiến pháp mới ghi vào "kinh tế thị trường" và được khẳng định rõ nhất trong Hiến pháp 2013.
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ đề nghị phải đánh giá giá trị của các giai đoạn này để rút ra bài học, xác định đường lối, lựa chọn mô hình phát triển. Bài học lớn nhất là phải "chốt" mô hình phát triển phù hợp trong giai đoạn phát triển mới, cũng chính là tham mưu của Chính phủ cho phát triển giai đoạn mới.
"Năm 2004, Bộ Nội vụ đã tham mưu có một Nghị quyết 08 về phân cấp trên 7 lĩnh vực trọng yếu. Đến Hiến pháp 2013 mới ghi chữ phân cấp, phân quyền. Nhiều vấn đề cần phân quyền đủ mạnh và phù hợp để địa phương hành động, khai thác hết các nguồn lực trong phát triển kinh tế", ông Thang Văn Phúc nêu thực tế.
Nguyên Thứ trưởng Nội vụ nhấn mạnh đến việc phải dành quyền chủ động cho địa phương… Chính phủ, Nhà nước chỉ làm đúng việc của mình, còn lại việc của thị trường, của doanh nghiệp. Hội đồng Lý luận Trung ương cần nghiên cứu hoạch định rõ, giúp cho Trung ương, Chính phủ "ra bài" cho tốt.
Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá đúc kết một số bài học. Đó là bình đẳng thật sự giữa các thành phần kinh tế và phải dân chủ trong kinh tế, mở cửa kinh tế, đi theo xu hướng của thời đại; thực hiện kinh tế thị trường, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, trong đó phải chú ý đến 3 quy luật: Cung cầu, cạnh tranh, thị trường; tiếp tục tinh gọn bộ máy nhiều hơn nữa.
"Phải dám đột phá và chống tham nhũng ngay từ cơ chế, chính sách, chứ đừng để vi phạm rồi mới làm. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng", ông Lê Xuân Bá nhận định.
Trong 5 bài học kinh nghiệm nêu ra, Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, nhấn mạnh, nền kinh tế vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan, việc chỉ đạo, điều hành kinh tế của Chính phủ về cơ bản tuân thủ quy luật này. Phải có một hệ thống thể chế kinh tế phù hợp mới tạo điều kiện cho kinh tế phát triển và một mình thể chế kinh tế không đủ, muốn phát triển kinh tế đòi hỏi một hệ thống thể chế đồng bộ, trước hết gắn với đó là thể chế hành chính, văn hóa, xã hội.
"Nhà nước không nên và không thể nắm trực tiếp được nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của nền kinh tế quốc dân, mà phải phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế", Tiến sỹ Đinh Duy Hòa đề xuất.