Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đàm phán lương tối thiểu vùng năm 2020: Các mức đề xuất tăng có khoảng cách lớn

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi giới đại diện cho người lao động (NLĐ) đề xuất 2 phương án (PA) tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2020 tăng tới 8,18%, thì bên giới chủ sử dụng lao động chỉ đề nghị mức 3%, còn bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia là 5,2%.

Lương tối thiểu vùng năm 2020 cho người lao động sẽ tăng. Ảnh: Thanh Hải
VCCI đề xuất không tăng, Tổng Liên đoàn đưa ra 2 phương án

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa tổ chức phiên họp hội đồng thứ nhất để bàn về phương án tiền LTTV năm 2020. Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã làm việc với Tổng cục Thống kê về số liệu, mức sống tối thiểu để Hội đồng tiền lương quốc gia có cơ sở thảo luận, thương lượng.
Năm nay, chúng tôi muốn đẩy thời gian phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia lên, cố gắng trong tháng 7 sẽ kết thúc. Vì, Quốc hội đã họp và đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, chúng ta có tình hình sức khỏe DN. Ngoài ra, các bên đã sẵn sàng cho ý kiến trong cuộc họp của Hội đồng”.

PGS.TS Dương Văn Sao - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: Xác định rõ mức sống tối thiểu

Không nên bàn sớm là bao nhiêu phần trăm LTTV 2020 mà bây giờ quan trọng là tiền LTTV đạt bao nhiêu phần trăm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Muốn làm được như vậy thì phải xác định chính xác mức sống tối thiểu hiện nay đạt tới bao nhiêu phần trăm.

Trước đó, từ năm 2015 Chính phủ đã cam kết thực hiện mức LTTV đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu xác định được rõ mức sống tối thiểu rồi thì không cần phải bàn năm tới tăng bao nhiêu, mà trách nhiệm của Chính phủ phải làm sao cho tiền LTTV bằng với mức sống tối thiểu.Vì thế, trong phiên họp tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia nên thảo luận và thống nhất với nhau về mức sống tối thiểu.

Chia sẻ với báo chí trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới sử dụng lao động cho biết, việc chi trả lương cho NLĐ trong những năm qua đã cao hơn nhiều so với mức tối thiểu, tuy nhiên vì một số điều kiện nên cần có những điều chỉnh. Theo đề nghị của các hiệp hội DN đề xuất không nên điều chỉnh mức LTTV năm 2020 vì muốn dành dư địa cho các thương lượng tập thể như thưởng, làm thêm, cải tiến kỹ thuật.
“Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ và đưa ra mức đề xuất phù hợp. Không thể không tăng LTTV nhưng tỷ lệ như thế nào để đảm bảo khả năng chi trả cũng như bảo đảm khả năng cạnh tranh của DN” - ông Hoàng Quang Phòng cho hay. Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) - đại diện cho NLĐ đưa ra hai phương án (PA) tăng LTTV năm 2020: PA 1 (tỷ lệ lương thực, thực phẩm 46,5%) tăng 8,18% (tăng từ 180.000 - 380.000 đồng); PA2 2 (tỷ lệ lương thực, thực phẩm 47%), tăng 7,06% (tăng từ 160.000 - 330.000 đồng).
Đưa ra ý kiến về 2 PA này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn cho rằng: PA nào cũng đáp ứng 100% mức sống tối thiểu, nhưng quan trọng là tình hình mức sống tối thiểu thế nào. Từ mức sống tối thiểu chúng ta sẽ quy ra mức tăng LTTV năm 2020, đương nhiên sẽ có điều chỉnh. Khi tính tỷ lệ lương thực thực phẩm càng thấp thì mức sống tối thiểu càng cao.
Các phương án khác nhau là bình thường
Trong phiên họp đầu tiên này, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã trình bày một số thông tin cũng như đánh giá về về tình hình kinh tế - xã hội và đề xuất mức tăng LTTV năm 2020 bình quân là 5,2%, trong đó vùng 4 tăng 61.000 đồng, vùng 1 tăng 256.000 đồng. Đại diện Tổng Liên đoàn cho rằng, mức 5,2% theo cách tính của bộ phận kỹ thuật thì đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu. Còn theo cách tính mức sống tối thiểu của Tổng Liên đoàn (tỷ lệ lương thực, thực phẩm thấp hơn phi lương thực, thực phẩm) thì mức tăng 5,2% chưa đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Trước những đề xuất tăng LTTV 2020 của bộ phận kỹ thuật và Tổng Liên đoàn, tại phiên họp này phía VCCI đã đề nghị miệng mức tăng 3%. Đại diện cho NLĐ, ông Lê Đình Quảng nêu ý kiến: Dưới góc độ người sử dụng lao động thì họ có quyền đưa ra mức đề xuất này. Tuy nhiên, mức đề xuất tăng 3% không bám được vào tình hình thực tế năm nay chúng ta phải thực hiện Nghị quyết 27 của T.Ư đó là đến năm 2020, LTTV phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
“Với tình hình kinh tế - xã hội của năm 2019, đời sống và khả năng của DN thì việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 27 đề ra là hoàn toàn khả thi. Vì thế chúng tôi nghĩ, mức tăng dưới 3% chỉ là đề xuất lúc đầu của giới sử dụng lao động. Chúng tôi mong bên sử dụng lao động suy xét thêm để đảm bảo quyền lợi hài hòa của các bên vừa thực hiện tinh thần của Nghị quyết 27” - ông Đình Quảng nhấn mạnh.
Trước những đề xuất mức tăng LTTV của các bên có khoảng cách chênh lệch nhau khá lớn, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp nêu quan điểm: Hằng năm, các bên đại diện cho giới sử dụng lao động, NLĐ trình bày phương án tăng LTTV khác nhau là chuyện bình thường. Chính vì vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới có sự bàn bạc, thương lượng để đi đến một mức thống nhất trình Chính phủ. Chúng tôi hoan nghênh bộ phận kỹ thuật nỗ lực cung cấp đầy đủ số liệu. Hôm nay là khởi động, nói về vấn đề kỹ thuật, rất mong muốn các bên thảo luận xây dựng, hợp tác.
Các phiên họp tiếp theo của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 7, các bên tiếp tục thương lượng, thảo luận và có sự thống nhất về mức tăng LTTV năm 2020.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân: Mức tăng lương phải đảm bảo hài hòa giữa hai bên

Mức LTTV năm 2020 nên hài hòa giữa hai bên (chủ sử dụng lao động và NLĐ) khoảng 5 - 5,5%. LTTV phải tăng vì CPI trượt giá, đồng nghĩa với lương thực tế của NLĐ giảm, do vậy phải tăng số phần trăm cao hơn. Tất nhiên NLĐ mong muốn hưởng mức lương cao hơn nhưng người sử dụng lao động có cái khó bởi vì chưa biết được Quốc hội có đồng ý cho tăng số giờ làm thêm không, trong khi năng suất lao động không tăng, sức cạnh tranh lớn.

Không chỉ thế, chi phí đầu vào, trong đó có lương cho NLĐ cũng tăng. Trong khi, giá thành đầu ra không thay đổi hoặc thay đổi rất ít nên chủ các DN nhỏ hoặc DN thâm dụng lao động lo lắng rất nhiều. Cũng bởi, tăng lương tối thiểu lên thì các mức lương cơ bản, lương thâm niên, mức đóng BHXH cũng nâng lên theo. Cho nên, mức tăng LTTV vừa bảo đảm lương thực tế có cải thiện, vừa bảo đảm sức khỏe của DN, tương ứng với mức tăng năng suất lao động và bảo đảm yêu cầu của Nghị Quyết T.Ư.