Friday, 18:09 17/07/2015
Dân Hy Lạp đổ xô mua vàng, kim cương
Kinhtedothi - Trong vài tuần gần đây, những cửa hiệu trang sức cao cấp tại Hy Lạp quá tải với lượng khách hàng lớn đến từ mọi tầng lớp. Trước nỗi lo vỡ nợ và hệ thống ngân hàng sụp đổ, người dân xứ sở các vị thần đã tìm đến các hàng hóa có giá trị để tích trữ.
Lệnh kiểm soát vốn, dấy lên nỗi sợ lo hệ thống ngân hàng sụp đổ, vô tình thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tại Hy Lạp trong vài tuần qua. Người dân nước này quyết định chuyển hướng sang tích trữ vàng, kim cương, đá quý... nhằm giữ giá trị tiền mặt.

Bà Marianne Le Clere Papalexis, giám đốc hãng trang sức cao cấp Zolotas cho biết nhu cầu khách mua vàng và kim cương tăng của hãng tăng cao hơn bao giờ hết. Trước đây có một khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu đặt mua số trang sức trị giá tới hàng triệu Euro, thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên chính họ cũng phải từ chối vì muỗn giữ trang sức thay vì giữ tiền trong tài khoản ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đang diễn biến theo nhiều hướng phức tạp. Kể từ khi các ngân hàng đóng cửa vào cuối tháng 6, một cuộc bùng nổ tiêu dùng quy mô nhỏ đã xuất hiện.
Khung cảnh nhộn nhịp ở cửa hàng thiết bị điện tử Kotsovolos nằm tại ngoại ô Athens dành cho giới trung lưu có thể khiến bạn nghĩ rằng tại đây đang diễn ra một chương trình khuyến mãi. Thực tế, người dân đang đổ xô đi mua hàng trong sự hoảng loạn. Lo lắng về khủng hoảng kinh tế sắp tới, và lượng tiền mặt rút ra cũng bị hạn chế, người Hy Lạp đang ra sức dùng thẻ mua lò nướng tủ lạnh, máy rửa bát - bất cứ thứ gì có giá trị để tích trữ trong thời kỳ khó khăn. Doanh thu của các hãng xe hơi cũng tăng mạnh do người dân lo sợ một đợt tăng thuế VAT mới có hiệu lực vào ngày 20/7.

Dù bằng cách nào, người Hy Lạp cũng đang cố gắng bảo đảm tài chính của mình bằng cách tích trữ đồ gia dụng và trang sức, hoặc thậm chí trả trước các khoản thuế, đề phòng trường hợp bị mất tiền tiết kiệm nếu ngân hàng phá sản, giống trường hợp của Síp năm 2013.
Dù lệnh giới hạn rút tiền mặt xuống còn 60 Euro/ngày được áp dụng từ cuối tháng 6, thẻ tín dụng và hệ thống ngân hàng điện tử (e-banking) vẫn hoạt động. Một chủ cửa hàng cafe, anh Loucas Ioannou cho biết: “Nếu bạn không chắc chắn hệ thống ngân hàng còn đóng cửa đến bao giờ, trong khi tài khoản vẫn còn tiền, sao không tiêu chứ? Rất nhiều khách quen của tôi dành tiền vào mua sắm do lo sợ một đợt tăng thuế tiền gửi ngân hàng khi hệ thống này hoạt động trở lại”.