Dẫn nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch: Biện pháp hữu hiệu cải thiện môi trường Hà Nội

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc bổ cập nước cải thiện môi trường hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch là biện pháp không chỉ có tính chất khoa học và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất cao.

Đó là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo khoa học Giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch do Liên Hiệp các Hội KHKT Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Hà Nội và Hội Xây dựng TP Hà Nội tổ chức ngày 13/11.
 Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, ông Võ Tiến Hùng – Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Hồ Tây là lá phổi xanh, là danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn ngàn năm xây dựng phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đây là một thắng cảnh thiên nhiên đặc biệt quý giá, gắn với nhiều di sản lịch sử, văn hóa có giá trị của Thủ đô và đất nước… Thế nhưng, bây giờ khi nhắc đến Hồ Tây, người ta chỉ hỏi chúng tôi, cá còn chết hay không? Sen trong hồ còn sống hay không? Hay, bao giờ sông Tô Lịch hết mùi, thậm chí, nhiều người còn bức xúc cho rằng nên cống hóa toàn bộ hệ thống kênh, sông ngòi ở Thủ đô để hạn chế ô nhiễm.
Cũng theo ông Hùng, những câu hỏi trên đã cho thấy tình trạng ô nhiễm và những bức xúc của người dân, chuyên gia trước tình trạng ô nhiễm tại Hồ Tây và sông Tô Lịch. Từ những bức xúc trên và qua nghiên cứu thực tiễn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất biện pháp dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập cho Hồ Tây, sau đó dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để cải thiện chất lượng nước trên sông.
Cụ thể, Công ty Thoát nước Hà Nội để xuất xây dựng trạm bơm và đường ống áp lực để lấy nước từ sông Hồng bổ cập nước cho Hồ Tây. Xây dựng bể lắng cát thô, bể lắng cát tinh để xử lý nước trước khhi đưa nước vào Hồ Tây. Tiếp đó, xả nước từ Hồ Tây thông qua cửa điều tiết A, B đưa nước vào sông Tô Lịch. Đồng thời, xây dựng đập dâng nước bằng đập tràn cao su tại thượng lưu Cầu Dậu, cách thượng lưu sông khoảng 11,7km để dâng mực nước sông và tạo dòng chảy trên sông.
 
Trong đó, đối với trạm bơm, Công ty Thoát nước đề xuất xây dựng trạm bơm kiểu cố định, được đặt sát mép sông tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng gồm 4 máy bơm công suất 2.500m3/h (3 máy bơm hoạt động thường xuyên, 1 máy bơm dự phòng). Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua ngõ 464 Âu Cơ – qua đê – đi theo đường Lạc Long Quân – đi vào ngõ 612 Lạc Long Quân – đi vào lòng mưng tiêu cạnh công viên nước Hồ Tây…
Đối với phương án cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, Công ty Thoát nước đề xuất, tận dụng nước Hồ Tây xả qua 2 cửa điều tiết A, B để tạo dòng chảy trên sông Tô Lịch. Xây dựng 1 đập dâng nước bằng cao su tại vị trí hạ lưu sông và tại hạ lưu sông Lừ trước khi đổ vào sông Tô Lịch để dâng nước, tạo dòng chảy trên sông có thể khai thác vận tải thủy đòng thời chủ động trong việc hạ mực mức trong mùa mưa bão.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, trong định hướng phát triển Thủ đô bền vững, thông minh Hà Nội đã rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, gắn liền với bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan sinh thái, đa dạng sinh học, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường và một số khu vực quan trọng trong đó có nêu đến Hồ Tây.
Cũng theo ông Đào Ngọc Nghiêm, đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào bổ cập Hồ Tây, cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra không chỉ có tính khoa học mà còn có tính thực tiễn rất cao. Do đó, kết thức Hội thảo, BTC sẽ tập hợp các ý kiến tham vấn, đóng góp của các chuyên gia, gửi các đơn vị có liên quan sớm cho phép triển khai dự án để đảm bảo môi trường Hồ Tây và sông Tô Lịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần