Đàn ông cùng... xây tổ ấm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng vai trò của nam giới trong tổ chức cuộc sống gia đình - nội dung chính trong nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay cho thấy, quan niệm "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm" đã đến lúc cần có sự điều chỉnh dần thể hiện được sự phù hợp trong xã hội hiện đại.

Thờ ơ quá… hóa vô trách nhiệm

Tình trạng các ông chồng vô tình hoặc cố ý trở thành những vị "khách trọ" đặc biệt trong nhà mình không phải là mới. Nguyên nhân có thể do bản tính của con người hoặc do tính chất công việc nên nhiều ông chồng đã phó thác mọi công việc gia đình cho vợ. Và hệ quả là tổ ấm nhỏ cứ lạnh dần. Không ít phụ nữ phàn nàn, dù chồng hay về nhà sớm nhưng chỉ ngồi xem ti vi mà không hề có khái niệm giúp đỡ việc nhà cho vợ.
Ngoài những công việc công sở, người chồng cần phụ giúp vợ việc nội trợ để tổ ấm gia đình thêm bền vững.
Ngoài những công việc công sở, người chồng cần phụ giúp vợ việc nội trợ để tổ ấm gia đình thêm bền vững.
Trong khi đó, về đến nhà, các chị phải "tay năm tay mười" cơm nước, dọn dẹp, chăm sóc con. Nhiều người khác chỉ làm vài việc nhà theo yêu cầu của vợ, còn lại cho vợ… tự quản lý! Họ được gọi là những ông chồng "dễ chiều", mặc vợ muốn làm việc nhà thế nào cũng được. Họ vô tình cứ như người thừa trong nhà, đi cũng được, mà ở cũng chẳng sao. Việc thờ ơ với việc nhà cũng đồng nghĩa với vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình, dẫn đến nhiều sứt mẻ trong hạnh phúc. Nhiều người phụ nữ đã thốt lên, không cần chồng phải mang về quá nhiều tiền, chỉ muốn con mình được gặp bố nhiều hơn. Sáng khi con dậy, đến trường thì bố còn đang ngủ, tối khi con ngủ rồi thì bố mới về. Ngày cuối tuần, cả nhà cũng khó có bữa cơm chung… Đây không phải là vấn đề quá lớn, nhưng chính những vụn vặt trong cuộc sống gia đình, nếu được sẻ chia, được cùng gánh vác, hạnh phúc cũng theo đó phát triển thêm.

Sự bình đẳng có quá khó?

Cuộc sống hiện đại, khái niệm "bình đẳng giới" được nói đến khá nhiều, việc chồng rửa bát, nấu cơm, giặt giũ quần áo cho vợ lúc bận rộn đã không còn là chuyện hiếm..., nhưng hiện tượng những ông chồng "trốn việc" nhà cũng dường như ngày càng nhiều hơn. Họ vẫn mặc nhiên cho rằng, vai trò của người phụ nữ trong gia đình là phải tề gia nội trợ. Tuy nhiên, nhiều khảo sát đã kết luận rằng: Trong gia đình, vợ chồng và các thành viên khác đều phải có trách nhiệm chung. Tính tự giác chia sẻ cùng nhau công việc trong nhà cũng như tình cảm của mọi người trong gia đình là cơ sở để hoàn thành mọi công việc, nuôi dưỡng nét văn hóa gia đình. Thời nay, vợ chồng không còn ai là "số một" nữa, mà ai cũng có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Sự đóng góp của cả hai vợ chồng vào kinh tế gia đình, vào việc xây dựng và giữ gìn hạnh phúc cho mái ấm của mình đều cần thiết và quan trọng như nhau.

Trong không ít cuộc tọa đàm về nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình, nhiều người đàn ông lại lý giải, do chị em ôm đồm hết việc nhà, nên mệt mỏi rồi cau có, chính vì thế họ luôn cảm thấy bất công và làm không khí gia đình căng thẳng. Đó cũng là vấn đề mà người phụ nữ cần suy nghĩ. Thực tế, chính vì người mẹ làm hết việc nhà, ngay từ nhỏ, nhiều bé gái đã cho rằng việc nhà là việc của phụ nữ. Mang theo tư tưởng này, nhiều cô gái sau khi kết hôn bỏ qua mọi nhu cầu của bản thân, tập trung cả sức lực và tinh thần cho gia đình. Và khi người phụ nữ ôm đồm mọi việc thường làm hư chồng, con, khiến các thành viên trong gia đình quen với việc được phục vụ, được chăm sóc, mà không biết cách tự làm mọi việc và quan tâm đến vợ, đến mẹ. 

"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", câu nói ấy không sai, nhưng để người đàn ông thể hiện hơn nữa vai trò của mình trong tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng nề nếp và định hướng cho con cái hãy bắt đầu từ việc sẻ chia ngay trong chính cuộc sống hàng ngày. Bởi hạnh phúc không bắt nguồn từ những điều to tát, mà ở ngay trong sự sẻ chia, vun vén nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần