Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đan Phượng: 127/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố có nhà văn hóa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ năm 2008 đến năm nay, huyện Đan Phượng đã đầu tư xây mới nhiều nhà văn hóa, toàn huyện hiện có 127/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố có nhà văn hóa.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, cùng với sự thay đổi vượt bậc về kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng ngày càng được nâng cao.

Người dân tập luyện thể thao tại nhà văn hóa thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Người dân tập luyện thể thao tại nhà văn hóa thôn Bãi Thụy, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được các cấp, ngành huyện Đan Phượng quan tâm và Nhân dân hưởng ứng tích cực; các danh hiệu văn hoá được nâng cao về số lượng và chất lượng. Cùng với đó, huyện cũng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ... theo Chỉ thị số 22 năm 2013 của Huyện ủy Đan Phượng “về tăng cường lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa” và 2 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội.

Qua đó đã góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường; ngăn ngừa các tệ nạn xã hội. Đồng thời bảo tồn phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng quản lý, khai thác sử dụng nhà văn hoá thôn, cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn huyện”, từ năm 2008 đến năm nay, huyện đã đầu tư xây mới nhiều nhà văn hóa. Toàn huyện hiện có 127/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố có nhà văn hóa. Các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng đang phát huy hiệu quả.

Đáng chú ý, từ tháng 10/2019 đến nay, định kỳ hàng tháng, huyện Đan Phượng triển khai hiệu quả cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng trao giải Nhất cho gia đình đoạt giải tại Liên hoan "Gia đình văn hóa tiêu biểu" năm 2023 huyện Đan Phượng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng trao giải Nhất cho gia đình đoạt giải tại Liên hoan "Gia đình văn hóa tiêu biểu" năm 2023 huyện Đan Phượng.

Tỷ lệ danh hiệu văn hóa hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu Thành phố giao. Cụ thể, năm 2008, toàn huyện có 24.063/32.080 (75%) hộ đạt hộ gia đình văn hóa; 43/120 (35,8%) cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 3/6 (50%) tổ dân phố đạt danh hiện tổ dân phố văn hóa; 15/135 (11,1%) cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.

Đến năm 2022 toàn huyện có 40.923/44.385 (92,2%) hộ đạt hộ gia đình văn hóa (tăng 123% so năm 2008), 13/15 (86,7%) xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 119/120 (99,2%) làng, cụm dân cư đạt danh hiệu văn hóa; 8/9 (88,9%) tổ dân phố văn hóa.

Năm 2023, toàn huyện có 120/120 làng, cụm dân cư đăng ký danh hiệu văn hóa, đạt 100%; 9/9 tổ dân phố đăng ký, đạt 100% đạt danh hiệu văn hóa; 112/135 cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa, đạt 83%.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa từ huyện đến cơ sở được quan tâm; công tác quản lý di tích và lễ hội được thực hiện tốt. Những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc như chèo tàu Tân Hội, ca trù Thượng Mỗ, đua thuyền Đồng Tháp, hội diều Hồng Hà... được giữ gìn và đầu tư phát triển. Toàn huyện được công nhận 9 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ nhân dân gian…