Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đan Phượng biểu dương 48 người có công tiêu biểu

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 25/7, huyện Đan Phượng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ; biểu dương người có công tiêu biểu; các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, huyện Đan Phượng có trên 14.000 gia đình có quân nhân và người thân tham gia bảo vệ Tổ quốc; 2.576 liệt sĩ, 1.453 thương binh, bệnh binh; 4 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (Anh hùng liệt sĩ Phan Xích, Lê Thao, Hoàng Thị Lê và Hoàng Hữu Chuyên); 310 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Các thương binh tiêu biểu Nguyễn Thành Bôn, Nguyễn Hữu Cải giao lưu, chia sẻ tại buổi lễ.
Các thương binh tiêu biểu Nguyễn Thành Bôn, Nguyễn Hữu Cải giao lưu, chia sẻ tại buổi lễ.

Trở về với cuộc sống thời bình, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình người có công trên địa bàn huyện Đan Phượng đã nỗ lực vươn lên làm kinh tế giỏi, tham gia công tác xã hội, đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh, thương binh huyện Đan Phượng đã trở thành những ông chủ DN, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Tại buổi lễ, một số thương bệnh binh tiêu biểu của huyện Đan Phượng như ông Nguyễn Thành Bôn (thương binh 4/4) – Trưởng thôn Quý, xã Liên Hà; ông Nguyễn Hữu Cải (thương tật 61%) – chủ DN kinh doanh xăng dầu ở xã Liên Trung đã giao lưu, chia sẻ về những năm tháng trong quân ngũ và cuộc sống đời thường hiện nay.

Từng tham gia vào chiến trường biên giới Tây Nam, thương binh Nguyễn Thành Bôn cảm nhận rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Trở về với thời bình, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông đã tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương, ứng của chức Trưởng thôn Quý, xã Liên Hà.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng tặng hoa cho những người có công tiêu biểu trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng tặng hoa cho những người có công tiêu biểu trên địa bàn.

“Tôi tâm niệm đã làm việc gì phải làm đến nơi đến chốn. Bộ đội Cụ Hồ là phải yêu thương, kính trọng Nhân dân. Do đó, thôn Quý có gần 600 hộ dân thì tôi tìm hiểu, nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư của tất cả các hộ, từ đó, mới phát huy được sự đoàn kết, thống nhất trong những công việc chung” – ông Nguyễn Thành Bôn chia sẻ.

Nhờ sự xông xáo, nhiệt huyết trong công việc, khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Thành Bôn đã tích cực vận động các DN, người dân ủng hộ gạch, xi măng… làm đường giao thông nông thôn, lắp điều hòa ở các nhà văn hóa. Thôn Quý cũng là thôn đầu tiên đánh số nhà của địa phương. Đặc biệt, trong cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch đẹp của huyện Đan Phượng”, thôn Quý đã giành giải Đặc biệt.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đã trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho ông Nguyễn Xuân Dự (xã Liên Trung).
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đã trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho ông Nguyễn Xuân Dự (xã Liên Trung).

Còn với thương binh Nguyễn Hữu Cải, xã Liên Trung, từng tham gia mở đường mòn Hồ Chí Minh, rời quân ngũ trở về địa phương, ông luôn đau đáu suy nghĩ tìm hướng phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình cũng như đóng góp cho quê hương. Năm 2011, ông Nguyễn Hữu Cải mạnh dạn thành lập DN tư nhân Cải Là, nay là công ty TNHH MTV Cải Là chuyên kinh doanh xăng dầu, cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đặc biệt, ông còn là Chủ tịch Hội Bộ đội Trường Sơn huyện Đan Phượng, hàng năm tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình như chăm lo cho các gia đình chính sách, thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng. “Chúng tôi may mắn còn sống trở về nên lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm lo cho gia đình các đồng đội đã hy sinh” – ông Nguyễn Hữu Cải tâm sự.

Tiếp lửa truyền thống uống nước nhớ nguồn

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, trong 5 năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công với nước của huyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Trong đó, các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công được thực hiện kịp thời, đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho 11.294 lượt người có công, số tiền gần 215 tỷ đồng. Giải quyết trợ cấp một lần và mai táng phí, truy lĩnh trợ cấp chênh lệch cho 3.132 người có công và thân nhân người có công; 7.473 lượt người đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ, với tổng số tiền số tiền trên 14,6 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam phát biểu tại buổi lễ.

Việc chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp mai táng phí, chứng nhận thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cấp thẻ xe buýt miễn phi cho thương binh, bệnh binh, thẻ BHYT, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, chính sách ưu đãi trong giáo dục, chính sách điều dưỡng người có công với cách mạng đều được đội ngũ cán bộ, công chức ngành LĐTB&XH huyện thực hiện tốt với tinh thần cải cách thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng phục vụ người có công tốt hơn.

Bên cạnh đó, việc cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bia ghi danh tưởng niệm liệt sĩ cũng được huyện quan tâm. Cụ thể, huyện tiếp tục xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang 7/7 nghĩa trang liệt sĩ đảm bảo khang trang, sạch sẽ. Đặc biệt, xây mới các hạng mục trong nghĩa trang liệt sĩ như tu bổ, nâng cấp, xây dựng chính trang Nghĩa trang liệt sĩ xã Phương Đình, Nghĩa trang liệt sĩ liên xã Hạ Mỗ - Hồng Hà - Thượng Mỗ, Nghĩa trang liệt sĩ liên xã Tân Hội - Tân Lập, Nghĩa trang liệt sĩ liên xã Thọ An - Thọ Xuân, tổng số tiền trên 7,5 tỷ đồng.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải và Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Nam tặng Giấy khen cho người có công tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải và Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Nam tặng Giấy khen cho người có công tiêu biểu trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 59 nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở các xã, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đều được quan tâm nâng cấp. Năm 2022, huyện đã mở rộng, xây dựng nâng cấp Đài Tưởng niệm 9 dũng sĩ, liệt sĩ bảo vệ Đập Phùng, số tiền trên 7,3 tỷ đồng là công trình có ý nghĩa tri ân sâu sắc.

Công tác chăm sóc đời sống thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, với kinh phí tặng quà của T.Ư, TP, huyện và các xã, thị trấn đều tổ chức tốt hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết, tặng 120.821 suất quà cho người có công, trị giá trên 48,3 tỷ đồng.

Huyện cũng tổ chức đưa 1.310 lượt người có công đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công TP và điều dưỡng tại gia đình cho 4.075 lượt người có công với tổng số tiền chi trả trên 4,7 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, công tác vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đạt trên 4,4 tỷ đồng, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu TP, huyện giao. Trong đó, phải kể đến các địa phương đạt chỉ tiêu cao như xã: Tân lập, Tân Hội, thị trấn Phùng, Thọ Xuân, Phương Đình, Trung Châu... Các ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn, các đoàn thể xã, thị trấn tặng 511 sổ tiết kiệm tình nghĩa, số tiền 774 triệu đồng; riêng năm 2022 tặng 128 số tiết kiệm tình nghĩa, số tiền 384 triệu đồng.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng tặng Giấy khen cho các tập thể tiêu biểu trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".
Lãnh đạo huyện Đan Phượng tặng Giấy khen cho các tập thể tiêu biểu trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

Xây dựng cải tạo sửa chữa nhà ở cho người có công được đặc biệt quan tâm, UBND huyện chỉ ngân sách hỗ trợ cho 201 hộ người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở, với số tiền 7,2 tỷ đồng (trong đó 160 nhà xây mới và 41 nhà sửa chữa).

“Chúng ta trân trọng và khâm phục cố gắng lớn lao của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công đã chia sẻ với khó khăn chung của huyện, vượt lên trên khó khăn riêng của gia đình, bản thân để tiếp tục mang sức lực, trí tuệ xây dựng cuộc sống gia đình ổn định, góp phần xây dựng quê hương Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh” – ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cũng cho biết, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đan Phượng tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa với những người, gia đình có công với nước.

 

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đã trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho ông Nguyễn Xuân Dự (xã Liên Trung); truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì cho ông Nguyễn Thế Kỹ (xã Tân Lập). Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng có 4 tập thể, 14 cá nhân được Bộ LĐTB&XH và UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.

Cũng nhân dịp này, huyện Đan Phượng đã khen thưởng cho 48 cá nhân người có công tiêu biểu; 56 tập thể, 62 cá nhân có tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.