Đan Phượng chuyển đổi số trong giáo dục: Xây dựng trường học thông minh

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Đan Phượng đang triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục, số hóa trường lớp cũng như công tác giảng dạy, quản lý điều hành nhằm xây dựng các trường học thông minh. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quá trình dạy và học tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng.  
Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quá trình dạy và học tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng.  

Mang đến trải nghiệm tốt hơn cho học sinh

Thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, học sinh không thể đến trường học trực tiếp đã đặt ra yêu cầu cấp thiết với ngành giáo dục, phải áp dụng công nghệ số vào dạy và học. Nhiều trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng đã nhanh nhạy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tạo môi trường học tập hiện đại cho học sinh. Hiệu trưởng trường Tiểu học Đan Phượng (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Oanh cho biết, hiện nay 100% phòng học tại trường đã được lắp đặt máy tính, máy chiếu; thư viện có 9 máy tính phục vụ học sinh tra cứu thông tin thuận tiện hơn.

Cùng với ứng dụng các phần mềm trong giảng dạy, nâng chất lượng học trực tuyến, việc quản lý điều hành của nhà trường cũng được số hóa thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu về nhân sự, bảo hiểm, tài chính kế toán… “Năm học 2021 – 2022 vừa qua, nhà trường thí điểm tổ chức cho học sinh thi tiếng Anh bằng cách tô mã đề thi và chấm thi qua quét mã đề. Đây là cách thức khá mới mẻ với học sinh tiểu học, mang lại hiệu quả tích cực, giúp các em có trải nghiệm học tập tốt hơn” – bà Nguyễn Thị Oanh cho biết.

Cũng đặc biệt quan tâm tới chuyển đổi số trong giáo dục, trường THCS Đồng Tháp, huyện Đan Phượng còn đưa tiêu chí này vào đánh giá thi đua, đồng thời thành lập một nhóm cán bộ cốt cán để hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên cũng như học sinh. Hiện nay, ngoài 16 thư mục phục vụ quản lý, điều hành trực tuyến, nhà trường còn thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh bằng hình thức trực tuyến, giúp các em dần làm quen với phương thức này. “Đặc biệt, hệ thống học liệu gồm 500 bài giảng được đưa lên thư viện điện tử của nhà trường để học sinh có thể tra cứu mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện” – Hiệu trưởng trường THCS Đồng Tháp Bùi Văn Tấn cho biết.

Số hóa trường, lớp

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, hiện nay 100% các nhà trường trên địa bàn huyện đã có đường truyền internet. 100% các trường tiểu học, THCS, 9/18 trường mầm non có phòng Tin học. 93,3% phòng học được trang bị thiết bị CNTT hỗ trợ giảng dạy như máy tính, máy chiếu, tivi... Đặc biệt, 100% trường học đã lắp đặt hệ thống camera ở những nơi xung yếu với tổng số 1.220 mắt nhằm đảm bảo công tác an ninh, an toàn trường học.

Về công tác quản lý, hiện nay 100% các nhà trường triển khai, thực hiện các phần mềm của Sở GD&ĐT Hà Nội và UBND huyện Đan Phượng; 80% sổ sách trong các nhà trường đã được số hóa. “Việc ứng dụng công nghệ số đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đơn cử, nhờ áp dụng phần mềm ôn tập trực tuyến mà kết quả điểm thi môn Lịch sử của huyện năm học 2021 - 2022 tăng 1 điểm so với năm học trước” – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết.

Ứng dụng CNTT tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng.  
Ứng dụng CNTT tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng.  

Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục trên địa bàn huyện Đan Phượng vẫn còn những hạn chế nhất định. Theo đó, về hạ tầng CNTT, đường truyền internet dung lượng chưa cao, chưa ổn định. Một số phòng học, phòng bộ môn chưa đủ thiết bị, chưa có lớp học thông minh trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, nhiều thiết bị như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... đã quá niên hạn sử dụng, cấu hình thấp, hay hỏng hóc, không có thiết bị thay thế. Trong hoạt động giảng dạy, huyện chưa phát triển, sử dụng được phần mềm kết nối với phụ huynh học sinh. Đáng nói, các phần mềm trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh đa số là miễn phí nên tính năng bị hạn chế nhất định.

Hướng tới nâng chất lượng nguồn nhân lực tương lai

Trước thực tế đặt ra, cuối tuần qua, UBND huyện Đan Phượng đã triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT huyện giai đoạn 2022 – 2025. Kế hoạch nhằm nâng cao và thống nhất nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về các nội dung của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, mục tiêu huyện đặt ra là kết nối internet băng thông rộng tới 100% trường học nhằm đảm bảo sẵn sàng cho việc kết nối liên thông các hệ thống quản lý điều hành, các phần mềm hỗ trợ chuyên môn cũng như hoạt động tương tác trực tuyến.

Đồng thời xây dựng kho học liệu chung toàn ngành giáo dục, chú trọng xây dựng các bài giảng điện tử, tư liệu số về lịch sử địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là triển khai lớp học thông minh trong các nhà trường, phấn đấu đến năm 2025 mỗi trường mầm non có 1 lớp học thông minh; các lớp học cấp tiểu học, THCS đều có thiết bị CNTT thông minh phục vụ giảng dạy. Tổng dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch dự kiến là gần 550 tỷ đồng.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, với việc thực hiện kế hoạch trên, huyện mong muốn hiệu quả đầu tư đến năm 2025, học sinh được học tập, tiếp thu trên nền tảng công nghệ số. Qua đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cũng như kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng số.

Trước mắt, trong năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục huyện sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng CNTT trong các nhà trường, xây dựng lớp học thông minh cấp độ 1, 2. Cùng với đó, triển khai phần mềm điểm danh học sinh, thu phí không dùng tiền mặt. Đặc biệt, huyện sẽ triển khai phần mềm quản lý, kiểm tra, đánh giá trực tuyến học sinh cấp tiểu học, THCS.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện khóa XXIV đã xác định 3 khâu đột phá là quy hoạch, công tác cán bộ và công nghệ. Định hướng của huyện là phát triển thành quận, khi đó sẽ có nhiều thay đổi trong mô hình quản lý, quản trị với khối lượng công việc lớn. “Để thực hiện được khối lượng công việc đó, công nghệ là yếu tố quan trọng” – ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, tác động của dịch Covid-19 đã cho thấy hiệu quả tích cực của chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong giáo dục, nhất là điểm số các môn trong năm học 2021 – 2022 của học sinh trên địa bàn đều tăng. Tuy nhiên thời gian tới, ngành giáo dục huyện cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng tăng tính tương tác, thực hành, tạo không gian, thời gian học linh động, thúc đẩy nền giáo dục mở và bình đẳng.

“Quan tâm đầu tư cho giáo dục chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho huyện trong tương lai. Chuyển đổi số không chỉ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật mà có đến đâu, khai thác, sử dụng hiệu quả đến đó, nếu không sẽ gây lãng phí. Đồng thời cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư số hóa giáo dục” – ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

 

Triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong ngành GD&ĐT huyện Đan Phượng giai đoạn 2022 - 2025 là cách làm sáng tạo, quyết liệt trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Do đó, ngành GD&ĐT huyện cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về chương trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số. Đồng thời tham mưu hiệu quả trong đầu tư, phát triển hạ tầng CNTT, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng quản lý, giảng dạy và công cuộc chuyển đổi số của ngành.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần