Gia tăng trường hợp mắc sốt xuất huyết
Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Long cho biết, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện gia tăng các trường hợp mắc sốt xuất huyết. Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 18/8, tại Đan Phượng ghi nhận 153 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca nào tử vong.
Bệnh nhân phân bố tại 16/16 xã, thị trấn trong toàn huyện. Trong đó nhiều nhất là xã Tân Lập với 55 ca, thị trấn Phùng 10 ca, xã Đan Phượng 12 ca, xã Đồng Tháp14 ca, xãTân Hội 13 ca... Về ổ dịch, huyện Đan Phượng đã ghi nhận 16 ô dịch, trong đó có 9 ổ dịch đang hoạt động, 7 ổ dịch đã kết thúc. Quy mô các ổ dịch đều là ổ dịch quy mô tổ dân phố.
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, UBND huyện Đan Phượng đã ban hành các văn bản về phòng, chống dịch và tăng cường công tác vệ sinh môi trường. Trong đó, huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn tăng cường truyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn về tình hình dịch để Nhân dân hiểu và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức như vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, thu gom phế thải phế liệu, thả cá...
Huyện Đan Phượng cũng đã chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện bám sát tình hình diễn biến dịch, hàng tuần báo cáo lãnh đạo UBND huyện về tình hình dịch tại các xã, thị trấn để có hướng dẫn, giải pháp phòng, chống dịch kịp thời. Triệt để xử lý khi có ổ dịch phát sinh mới cũng như có ca mắc mới.
Huyện đã thành lập 16 Đoàn kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường. Các Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc cùng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, thị trấn trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; kiểm tra các nội dung triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; công tác chuyên môn về dự phòng như giám sát, xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng trên địa bàn.
Nêu cao vai trò tự giác của người dân
Ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm, ngay từ đầu năm, công tác điều tra, giám sát ổ dịch sốt xuất huyết được triển khai 100% tại các ổ dịch cũ; khi có ca mắc mới, ổ dịch tại các khu vực có nguy cơ cao được quan tâm và chú trọng. “Để khống chế không để dịch bùng phát mạnh, hàng tuần, các xã, thị trấn có báo cáo đánh giá về chỉ số BI tại địa phương nhằm giúp UBND huyện đưa ra những phương án phòng, chống dịch cũng như có biện pháp chỉ đạo kịp thời, chuẩn bị sẵn sàng, bố trí điều động nhân lực tập trung cho xã, thị trấn khi cần” – ông Nguyễn Văn Long chia sẻ.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã tích cực trong công tác vệ sinh môi trường, thả cá, mắc màn nhằm tăng cường hiệu quả việc phòng chống dịch sốt xuất huyết. Điển hình, trong tuần qua, xã Song Phượng tiến hành thả 20 con cá tại bể chứa nước sinh hoạt và dụng cụ chứa nước; xử lý 599 bể chứa nước có nắp đậy. Xã Tân Hội thả 60 con cá tại bể chứa nước sinh hoạt và dụng cụ chứa nước; xử lý 660 bể chứa nước có nắp đậy. Xã Tân Lập xử lý 368 bể chứa nước.
Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Long cho biết thêm, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do thời tiết thuận lợi cho việc phát sinh, phát triển của muỗi và bọ gậy.
Chu kỳ dịch cao điểm từ tháng 7, 8, 9 sẽ là đỉnh dịch của hàng năm. Kết quả kiểm tra giám sát các chỉ số BI tại các điểm, khu vực có nguy cơ cao vượt ngưỡng nên sẽ tiếp tục gia tăng số mắc. Đây là các ổ dịch phức tạp, tại khu vực ổ dịch có nhiều hộ dân sinh sống, nguy cơ bùng phát cao.
Để tránh bùng phát dịch trên diện rộng, Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng đề nghị cần nêu cao vai trò tự giác của người dân cũng như huy động toàn bộ lực lượng đội xung kích, người dân cùng tham gia tổng vệ sinh môi trường một cách triệt để. Đồng thời tham gia diệt bọ gậy, thả cá vào các bể chứa nước, mắc màn khi ngủ… nhằm tăng cường hiệu quả việc phòng chống dịch.
“Đối với các xã Đan Phương, Song Phượng, Tân Lập và thị trấn Phùng có nguy cơ bùng phát dịch cao, khi chu kỳ dịch đến cao điểm, nếu không triệt để vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy thì dịch có thể lây lan nhanh” - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Long khuyến cáo.