Đan Phượng: Hỗ trợ cao nhất cho F0 khai báo, điều trị tại nhà

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc điều trị F0 mắc mới tại nhà trên địa bàn huyện Đan Phượng đã ổn định và có hiệu quả với những cách làm sáng tạo trong quản lý.

Mỗi trạm y tế lưu động bố trí 3 đầu số tiếp nhận thông tin

Theo đánh giá của Phòng Y tế huyện Đan Phượng, hiện nay số bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn huyện tăng nhanh. Trong hơn tuần qua, trung bình một ngày phát sinh 1.600 ca mắc mới. Một số địa phương có số bệnh nhân mắc cao như các xã, thị trấn: Phùng, Tân Lập, Tân Hội, Hồng Hà… dẫn đến việc người bệnh khó tiếp cận hoặc tiếp cận thông tin y tế còn chậm.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kiểm tra hoạt động của Trạm y tế lưu động xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tháng 11/2021. Ảnh: UBND xã Đan Phượng
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong kiểm tra hoạt động của Trạm y tế lưu động xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, tháng 11/2021. Ảnh: UBND xã Đan Phượng

Để người bệnh sớm được tiếp cận với thông tin y tế, UBND huyện Đan Phượng đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn chủ động bổ sung nhân lực cho Trạm y tế lưu động và Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhập liệu, tư vấn, hướng dẫn theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà.

Trong đó huyện yêu cầu tối thiểu mỗi Trạm y tế lưu động bố trí 3 đầu số điện thoại trở lên; mỗi tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại thôn, cụm dân cư tối thiểu 2 đầu số điện thoại trở lên. Cùng với đó, bố trí người nhập liệu có năng lực đảm bảo nhập liệu kịp thời.

Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 phụ trách số bệnh nhân đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Công khai các số điện thoại của Trạm y tế lưu động và các thành viên Tổ hỗ trợ để bệnh nhân biết và chủ động liên hệ. Thực hiện quy trình tiếp nhận, quản lý điều trị F0 theo quy định, đảm bảo nhanh nhất, chính xác và thống nhất quy trình trên toàn huyện.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nhà cho người dân xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Nga
Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nhà cho người dân xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Nga

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Luận cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, số ca F0 gia tăng, Phòng đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tổ chức, kiện toàn nhân lực của các trạm y tế lưu động.

Cùng với đó, huy động nhân lực từ các cơ sở kinh doanh dược phẩm, các cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám ngoài công lập trên địa bàn cùng tham gia Tổ hỗ trợ theo dõi người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn cho các trường hợp mắc Covid-19 được tiếp nhận thông tin, tư vấn, chăm sóc kịp thời.

Giảm áp lực cho cơ sở y tế

Thông tin về hoạt động của trạm y tế lưu động trên địa bàn, lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, huyện đã dừng tiếp nhận điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động - khu thu dung Nhà thi đấu đa năng huyện từ ngày 14/2/2022. Dừng tiếp nhận điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động - khu thu dung Nhà văn hóa xã Hồng Hà từ ngày 20/2/2022.

Đến nay, 16/16 xã thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng đã có điểm thu dung F0 với công suất 813 giường. Các xã đã kích hoạt điểm thu dung là Đồng Tháp, Phương Đình và Tân Hội.

Đội ngũ y, bác sĩ phục vụ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng. Ảnh: Đào Thắm
Đội ngũ y, bác sĩ phục vụ trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng. Ảnh: Đào Thắm

Về công tác điều trị, đến nay, toàn huyện Đan Phượng đang thực hiện điều trị cho 17.139 ca F0. Trong đó, điều trị tại Trạm y tế lưu động (tại nhà) 16.867 ca. Qua đánh giá, việc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nơi cư trú đã giảm áp lực cho các cơ sở điều trị Covid-19.

“Tại huyện Đan Phượng, số lượng F0 mắc mới tăng nhanh, việc điều trị F0 mắc mới tại nhà đã ổn định và có hiệu quả với những cách làm sáng tạo trong quản lý, nhất là việc phát huy vai trò giám sát của chính quyền, ngành y tế và của cộng đồng theo phương châm 4 tại chỗ” – lãnh đạo huyện Đan Phượng nhận định.

Cùng với đó, lực lượng y tế cơ sở của huyện Đan Phượng đã ứng dụng công nghệ thông tin và sự tiện ích của mạng xã hội để đảm bảo an toàn trong quản lý, giám sát, theo dõi, kiểm tra y tế đối với các trường hợp F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà.  

Tỷ lệ điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đan phượng chủ yếu là bệnh nhân F0 có triệu chứng, bệnh nền. Bệnh nhân điều trị đa số là người địa phương, do đó giảm được chi phí đi lại của người bệnh, giảm được áp lực cho phân tầng của bệnh viện khác.

Tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi trên địa bàn huyện Đan Phượng.

Thời gian tới, huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức và các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân” để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục rà soát người thuộc nhóm nguy cơ, tổ chức tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đặc biệt, ngày 2/3, Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng đã có quyết định thành lập 8 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn các xã, thị trấn. Trong đó có nội dung kiểm tra việc triển khai công tác quản lý theo dõi F0 của các Trạm y tế lưu động; việc công khai đầu số tiếp nhận khai báo thông tin y tế của người dân; quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin; chăm sóc, phát thuốc đến tận nhà cho bệnh nhân…

 

Về tiêm vaccine phòng Covid-19, tính đến ngày 2/3, lũy kế 47 đợt tiêm, toàn huyện Đan Phượng đã tiêm được hơn 351.000 mũi, trong đó số người được tiêm mũi 1 là hơn 138.000 người, số người được tiêm đủ 2 mũi hơn 136.000 người; hơn 76.000 người được tiêm nhắc lại mũi 3; đảm bảo đúng đối tượng và an toàn.

Trong đó, kết quả tiêm cho trẻ 12 đến dưới 18 tuổi, số lượng mũi 1 đã tiêm là 16.327 mũi/16.347 người (đạt 99,8%); số lượng mũi 2 đã tiêm là 16.246 mũi/16.347 người (đạt 99,3%).

Kết quả tiêm cho người trên 50 tuổi đến 64 tuổi (đã bao gồm cả bệnh mạn tính trong độ tuổi): Mũi 1 đã tiêm được 32.004 mũi/32.068 người (99,8%); mũi 2 đã tiêm được 31.751 mũi/32.068 người (99%).

Kết quả tiêm cho người trên 65 tuổi trở lên (đã bao gồm cả bệnh mạn tính trong độ tuổi): Mũi 1 đã tiêm 17.650 mũi/17.871 người (đạt 99,9%); mũi 2 đã tiêm được 17.118 mũi/17.871 người (đạt 96,1%).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần