Đan Phượng kiên quyết xử lý vi phạm xây dựng

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Báo Kinh tế & Đô thị số 41, ngày 24/2 có bài “Xã Liên Trung, huyện Đan Phượng: Chậm giải quyết đơn của người dân”, phản ánh việc UBND xã Liên Trung chậm vào cuộc làm rõ đơn kiến nghị của người dân. Quá trình xác minh nội dung, phóng viên còn phát hiện hàng loạt vi phạm khác.

Buông lỏng quản lý
Liên Trung là một trong những xã được công nhận làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ từ năm 1993. Hiện toàn xã có 268 công ty, 528 hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ, lâm sản, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương.
Do là địa phương làng nghề nên nhu cầu sử dụng mặt bằng sản xuất rất lớn. Tuy nhiên, vì công tác quy hoạch, xây dựng điểm công nghiệp làng nghề không theo kịp, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý khiến một số người dân, DN xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp, thậm chí làm cả ở hành lang chân đê hữu Hồng.
Qua khảo sát hơn 2km đê bao Hữu Hồng ở đây nhận thấy, toàn bộ hành lang chân đê, đất công, đất nông nghiệp đều đã được người dân dựng nhà xưởng có diện tích 200 - 600m2/xưởng “tọa lạc” sát nhau. Nhiều nhà xưởng nằm gần khu dân cư, đường giao thông chật hẹp, đi lại khó khăn.
 Hàng loạt công trình nhà xưởng vi phạm dưới chân đê bao hữu Hồng qua xã Liên Trung sẽ được UBND huyện Đan Phượng xử lý trong thời gian tới.
Cùng với đó, đa phần các nhà xưởng đều đã tồn tại từ hàng chục năm qua và nhiều chủ công trình còn cơi nới nhà xưởng “ôm trọn” mạng lưới dây và cột điện. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nơi đây hay xảy ra cháy nổ tại các xưởng sản xuất.
Theo người dân ở đây cho biết, toàn xã hiện chỉ có điểm công nghiệp làng nghề Hồ Điền chuyên sản xuất đồ gỗ rộng 3,3ha được xây dựng từ năm 2014, hiện không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân.
Để giảm thiểu việc người dân vi phạm trật tự xây dựng, đầu năm 2018 UBND huyện đã đầu tư xây dựng thêm điểm công nghiệp làng nghề tập trung rộng 9,1ha để bố trí vị cho 144 DN, cơ sở vào sản xuất. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán dự án, bàn giao mặt bằng điểm công nghiệp để đưa vào sử dụng.
Không để vi phạm tồn tại
Chủ tịch UBND xã Liên Trung Hoàng Văn Hanh thừa nhận, tốc độ phát triển của làng nghề nhanh chóng khiến công tác quy hoạch, quản lý đất đai không đáp ứng kịp, đây chính là yếu tố dẫn đến việc người dân thiếu mặt bằng sản xuất nên nảy sinh vi phạm.
Từ thực tế trên, những năm gần đây, chính quyền địa phương phải quy hoạch, xây dựng thêm điểm công nghiệp làng nghề tập trung và từng bước xử lý các công trình vi phạm cũ ở hành lang chân đê hữu Hồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, do UBND xã buông lỏng quản lý nên mới dẫn đến việc người dân xây dựng nhà xưởng ở hành lang đê hữu Hồng. Để chấn chỉnh vi phạm, tháng 2/2020, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra tiến hành thanh, kiểm tra công tác quản lý đất đai tại địa phương này. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục bàn giao mặt bằng cho DN, hộ dân trúng thầu tại điểm công nghiệp làng nghề để xây dựng xưởng sản xuất.
“UBND TP đã chấp thuận giao cho UBND huyện làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đường gom và kênh tiêu thoát nước hai bên hành lang đê Hữu Hồng đi qua xã Liên Trung và Liên Hà. Do vậy, để DA triển khai thuận tiện, thời gian tới, UBND huyện tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở sản xuất tháo dỡ nhà xưởng vi phạm bàn giao mặt bằng hành lang đê hữu Hồng cho chủ đầu tư thực hiện DA. Trường hợp chủ công trình vi phạm không chấp hành thu dọn tài sản vào điểm công nghiệp làng nghề, UBND huyện sẽ cương quyết cưỡng chế công trình vi phạm theo quy định” - ông Hùng khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần