Đan Phượng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Đan Phượng không chỉ đi đầu TP Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới mà còn là địa phương điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ mạnh dạn tiếp thu khoa học công nghệ, đầu tư dây chuyền trồng nấm hiện đại, Hợp tác xã (HTX) Nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng) đã và đang là địa chỉ cung ứng nấm chất lượng uy tín trên địa bàn TP. Giám đốc HTX Nấm Nghĩa Minh Đặng Văn Minh cho hay, nấm được trồng trong môi trường sản xuất ứng dụng CNC hoàn toàn không dùng hóa chất, chất bảo quản, phụ gia, kể cả trong quá trình đóng gói sản phẩm. Hiện nay, HTX có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm từ sản xuất nấm. Đồng thời, HTX đang tạo việc làm ổn định cho 9 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng rau CNC của HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng) là một trong 125 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của toàn quốc. Giám đốc HTX Sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý Nguyễn Đăng Quý chia sẻ, trung bình mỗi ngày, HTX thu hoạch từ 2 - 4 tấn rau xanh với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập bình quân của HTX đạt gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của mỗi thành viên tham gia HTX đạt trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.375ha đất trồng lúa, rau màu kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, hơn 191ha trồng rau an toàn, gần 483,5ha hoa, hơn 303ha cây ăn quả chất lượng cao, 10,9ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tổng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa của huyện là hơn 1.117ha, cho thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng đến 1 tỷ đồng trở lên/ha/năm. Ngoài ra, Đan Phượng còn có 4 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 51,7ha. Các mô hình này đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Để tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng, ứng dụng CNC, ông Nguyễn Thạc Hùng cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và mở rộng các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng bãi ven sông Hồng ở xã Liên Trung, dự án chăn nuôi xa khu dân cư ở xã Phương Đình và Trung Châu… Cùng với đó, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tập trung xây dựng các chuỗi nông sản; thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.