Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đan Phượng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đạt Lê - Hoàng Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời gian qua, huyện Đan Phượng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo anh Nguyễn Xuân Phong, phụ trách kỹ thuật trồng lan ở hợp tác xã Đan Hoài chia sẻ: Nghề này cũng đòi hỏi nhiều công phu. Từ khi ươm giống, đến khi cây lớn trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật từ phòng nuôi cấy mô, nhà màng lưới, nhà kính. Trước khi xuất ra thị trường khoảng hai tháng, cây lan cần được chăm sóc trong nhà màng với nhiệt độ từ 18 đến 22 độ C mới bảo đảm sinh trưởng tốt, ra hoa đẹp. Nếu thời tiết thuận lợi có thể duy trì hoa tươi trong ba tháng. Do đã có thương hiệu, cho nên vào dịp cuối năm, nhiều nơi đã đặt lấy hàng trước, nhiều khi không còn hoa lan để bán lẻ.
Hiện nay một số hộ đã đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới sản xuất rau an toàn, dưa lưới, trồng rau thủy canh có ứng dụng tưới phun tự động… với tổng diện tích 4.380 m2 ở các xã: Đan Phượng, Phương Đình, Thọ An, Song Phượng; trồng ngô biến đổi gien (10 ha) tại xã Trung Châu.
Một số người dân ở xã Thượng Mỗ) gắn bó với cây bưởi  cho hay: Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ ngành nông nghiệp về kỹ thuật, cách chăm sóc, giờ bưởi tôm vàng chúng tôi trồng quả sai, ngọt. Với giá từ 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/quả, năm 2016 nhà tôi trồng 130 cây trên diện tích 1.800 m2, lãi 190 triệu đồng; năm nay quả đều, chắc chắn thu lãi hơn năm ngoái. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ Nguyễn Duy Minh, hiện tại, người dân trong xã trồng 80 ha bưởi tôm vàng, đều ứng dụng CNC, sử dụng phân bón mới và bao quả, thu hoạch tốt, được giá, cho nên nhiều hộ đã tăng thu nhập nhiều.
 Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Đan Phượng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Đến nay, huyện chuyển đổi 1.220,9 ha, trong đó có 452,3 ha trồng hoa, 171 ha trồng rau, 202,4 ha trồng cây ăn quả... Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho thu nhập khá, đạt từ 230 triệu đến 370 triệu đồng/năm, tăng từ ba đến bảy lần so với trồng lúa. Những hộ trồng hoa ly cho thu nhập bình quân gần một tỷ đồng/ha/vụ, do người dân biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như lợp màng - lưới, xử lý đất, hệ thống tưới phun tự động, kho lạnh bảo quản giống, sơ chế hoa thương phẩm... Nhiều hộ chuyển sang trồng hoa cao cấp.
Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng cho hay: Huyện đang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội báo cáo UBND thành phố đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập khu nông nghiệp CNC với diện tích 9,44 ha tại xã Song Phượng; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; phát triển các khu chuyên canh tập trung, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa; bước đầu hình thành các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng CNC và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố.