Hội thảo nhằm cung cấp thông tin góp phần định hướng công tác dân số trong thời gian tới cho cán bộ tuyên giáo và các cơ quan thông tấn báo chí khu vực phía Bắc.
Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được đặc biệt quan tâm
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định công tác dân số kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã duy trì tổng tỷ suất sinh ổn định trong khoảng 2,0-2,1 con (năm 2014 là 2,09 con). Với quy mô dân số và số người tăng thêm bình quân hàng năm như hiện nay, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu dân số không quá 93 triệu người vào năm 2015 và không quá 98 triệu người vào năm 2020, tiến tới ổn định quy mô dân số khoảng 115-120 triệu người vào giữa thế kỷ 21.
Chất lượng dân số đã từng bước được nâng lên với chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,573 điểm năm 2005 lên 0,638 điểm năm 2013, xếp thứ 121/187 nước tham gia xếp hạng. Tuổi thọ của người Việt Nam tăng từ 72 tuổi năm 2005 lên 73,2 tuổi năm 2014 và hiện ở mức cao hơn so với các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Những thành công trên góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thực hiện thắng lợi các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu chưa từng có trong lịch sử
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, các cộng đồng kinh tế, chính trị, văn hóa chung đang được hình thành, dân số Việt Nam cũng đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu chưa từng có trong lịch sử phát triển nhân khẩu nói riêng và lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng.
Mức sinh và mức chết giảm đã làm cho Việt Nam chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số trẻ, bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng" đồng thời là giai đoạn "già hóa dân số." Các dòng di cư diễn ra ngày càng mạnh mẽ với cường độ lớn và số lượng người di cư ngày càng đông...
Các đại biểu cũng ho rằng bên cạnh những lợi thế của thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu, nhiều thách thức và những vấn đề mới nảy sinh trong công tác dân số có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước cần phải quan tâm giải quyết.
Đó là mức sinh biến động chưa ổn định và khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa các khu vực chưa được khắc phục. Cơ cấu dân số có sự biến đổi nhanh chóng như mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao; Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng từ năm 2007, già hóa dân số với tốc độ rất nhanh; tình trạng di cư diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi cơ cấu và phân bố dân cư...
Xác định "phát triển bền vững" là mục tiêu chiến lược của quốc gia
Phát biểu tại Hội thảo, tiến sỹ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam đã xác định "phát triển bền vững" là mục tiêu chiến lược của quốc gia. Hiện nay và trong tương lai, khi mức sinh đã giảm bền vững dưới mức sinh thay thế, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trọng tâm của chính sách dân số cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh phát triển mới như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển việc làm có giá trị cao để tận dụng cơ cấu dân số vàng; phát triển hệ thống giáo dục và y tế phù hợp với cơ cấu dân số thay đổi mạnh mẽ; dân số già và an sinh xã hội; mất cân bằng giới tính khi sinh và hệ luỵ; di dân và chất lượng cuộc sống...
Yếu tố dân số cần phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển bền vững. Việc chuyển đổi trọng tâm của chính sách số, từ kế hoạch gia đình sang dân số và phát triển bền vững là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc cho rằng Việt Nam đang ở một thời điểm giao thời quan trọng chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển kinh tế xã hội 2016-2020. Xây dựng các chính sách phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề dân số và phát triển không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Quỹ dân số Liên hợp quốc luôn sát cánh cùng Chính phủ Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế liên quan tới các chính sách dân số.
UNFPA cam kết hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn cho người dân Việt Nam, để mọi người dân được hưởng đầy đủ các quyền của mình, bao gồm cả quyền sinh sản.