Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân vận khéo, việc gì cũng thành công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Một trong những nguyên nhân quan trọng quyết định sự thành công đó là Đảng ta đã kịp thời đổi mới công tác dân vận, phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

 
Dân vận khéo, việc gì cũng thành công - Ảnh 1

Ông Phạm Thế Duyệt trao đổi với PV về công tác dân vận. Ảnh: VGP/Anh Dũng
 

Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQVN Phạm Thế Duyệt đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Ông đánh giá công tác dân vận trong thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Phạm Thế Duyệt:
Đảng ta từ khi thành lập đến nay bao giờ cũng coi công tác dân vận là một mảng quan trọng, coi những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể là một mảng trong hệ thống chính trị. Điều này là nhất quán từ khi thành lập Mặt trận Phản đế năm 1930. Suốt cả quá trình cách mạng, Đảng đã tập hợp được tất cả quần chúng nhân dân, các giai cấp, tôn giáo, dân tộc thiểu số. Đảng ta làm công tác dân vận rất giỏi. Đấy chính là xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác có quan điểm “Dân làm gốc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, vì vậy mấy cuộc kháng chiến thành công đều nhờ vào dân.

Bước sang thời kỳ đổi mới, mặc dù gặp những khó khăn ban đầu, nhưng do Đảng luôn biết nghe tiếng nói của nhân dân, coi trọng ý kiến của dân nên có được đường lối đổi mới rất phù hợp. Sau đó, đường lối đổi mới này lại được cụ thể hóa thông qua rất nhiều Nghị quyết của Đảng nói chung, đặc biệt là qua công tác dân vận. Tôi thấy rất sâu sắc, thể hiện rõ nhất là ở Nghị quyết Trung ương 8b năm 1989. Bởi trong lúc tình hình Đông Âu, Liên Xô như vậy nhưng ra được Nghị quyết này là khẳng định rất rõ vai trò của quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng. Ý thức dân vận của Đảng từ những quan điểm của Nghị quyết rất quan trọng, có sức lay động và động viên được quần chúng, làm cho quần chúng tin tưởng.

Tiếp đó là những Nghị quyết về Mặt trận, Luật Công đoàn, Nghị quyết về vấn đề đại đoàn kết các dân tộc, Nghị quyết chuyên đề về tôn giáo, dân tộc thiểu số, Nghị quyết của Bộ Chính trị về kiều bào. Đây là một chuỗi xuyên suốt trong quan điểm tư tưởng của Đảng lãnh đạo, lấy dân làm gốc, coi công tác dân vận là quan trọng.

Đảng lãnh đạo nhưng luôn giáo dục nhắc nhở mọi cán bộ đảng viên, kể cả những đồng chí lãnh đạo cấp cao, đều phải có ý thức làm theo lời Bác, vừa là lãnh đạo vừa là công bộc đầy tớ của dân. Nhờ vậy đường lối của ta đã thắng lợi, uy tín của Đảng trong tình hình mới vẫn được giữ vững. Cho đến giờ phút này nhân dân ta vẫn luôn có lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không thể nào khác được. Nhân dân chỉ luôn mong muốn Đảng ta vững mạnh, phát huy được ưu điểm, truyền thống để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Như ông vừa nói, Đảng đã kịp thời đổi mới, luôn giữ được mối quan hệ máu thịt với nhân dân, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Sự đổi mới trong công tác dân vận được thể hiện rõ nét như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Phạm Thế Duyệt: Điều đó thể hiện rõ ở việc Đảng đã nắm bắt được xu thế phát triển, nắm bắt được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, có nhiều Nghị quyết đúng đắn và nhờ những Nghị quyết đúng đắn nên nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện.

Nếu không có dân tích cực hưởng ứng, lăn xả như trước đây đã lăn xả ra chiến trường thì không thể có những cảnh Tây Nguyên trù phú, hoặc hoạt động khai thác và xuất khẩu hải sản đạt hiệu quả cao, có những cánh đồng mẫu lớn, sản lượng cao, sản xuất công nghiệp than, dầu khí phát triển. Đây là đường lối đổi mới hợp lòng dân, được dân ủng hộ. Mặc dù trong chỉ đạo có lúc, có nơi còn khuyết điểm, sai sót nhưng nói chung ý thức dựa vào dân, biết phát huy lực lượng của dân, dù khó khăn như thế nào thì nhân dân vẫn luôn thông cảm, ủng hộ Đảng, Nhà nước, vẫn quyết tâm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Một chế độ xã hội dân chủ, dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh đã được khẳng định, điều đó thể hiện rõ đường lối, mục tiêu rất rõ ràng là vì dân chứ không có gì khác. Trong hơn 25 năm đổi mới có được kết quả phát triển kinh tế- xã hội bền vững, ổn định chính trị, uy tín của Đảng với dân luôn giữ được cũng là nhờ đường lối đúng đắn, nhờ vào sự ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt là nhờ có đường lối quần chúng đúng mới làm được.

Tuy nhiên, chúng ta không tránh khỏi những hạn chế trong công tác dân vận cần khắc phục, thưa ông?

Ông Phạm Thế Duyệt: Chúng ta đề ra chủ trương thì đúng nhưng thực hiện có nơi còn hạn chế, nặng về lý thuyết, tuyên truyền; việc ứng dụng vào cuộc sống còn khoảng cách. Nếu biết dựa vào dân, lắng nghe dân thì sẽ có phương pháp triển khai thực hiện tốt hơn. Đường lối dân vận của Đảng trong nhiều năm không thể tránh khỏi những hạn chế, nên phải tự phê bình thẳng thắn như đồng chí Tổng Bí thư đã nói.

Những thách thức này không phải là thách thức từ bên ngoài mà thách thức từ lòng tin của dân, mất dân là mất tất cả. Công tác dân vận cần phát huy được kinh nghiệm truyền thống của lớp cha ông, gắn bó máu thịt với dân, có uy tín với dân. Khắc phục được nhược điểm này thì lãnh đạo kinh tế, xã hội, thực hiện đường lối đổi mới sẽ được dân ủng hộ. Nếu đất nước phát triển vững vàng thì những thế lực chống đối không dễ gì có cơ hội chống phá, nhưng nếu chúng ta không chú ý thì vừa mất dân vừa bị ảnh hưởng đối với vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, các thế lực thù địch có thể làm chúng ta suy yếu. Tôi tin tưởng những việc Trung ương đề ra về công tác dân vận trong tình hình mới sẽ thành công, phải coi công tác dân vận là một mảng quan trọng trong xây dựng Đảng.

Có thực tế một số nơi, tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, không sát dân, không nắm được tình hìn nhân dân, không đủ sức tuyên truyền, vận động giải quyết những bức xúc của nhân dân, ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Ông Phạm Thế Duyệt:
Ở nhiều nơi khoảng cách của cán bộ, hệ thống chính quyền, của các tổ chức có trách nhiệm với dân rất xa rời, không chịu lắng nghe dân, không dựa vào dân, chưa chú ý đến lời nói “chân ngôn nghịch nhĩ”. Người dân có những vấn đề bức xúc, oan ức ở nhiều nơi gặp được lãnh đạo rất khó. Điều này là rất xót xa. Dù nói sai hay đúng nhưng phải nghe dân, nghe để có chủ trương giải quyết cho đúng. Làm công tác dân vận không chỉ là việc của Mặt trận, đoàn thể mà của cả hệ thống chính trị. Một chính sách đúng đã hợp lòng dân, chính sách đúng lại được triển khai tốt thì dân tin tưởng biết bao nhiêu.

Lúc này đòi hỏi Đảng phải luôn luôn gắn bó với dân, máu thịt hơn nữa với dân, khắc phục cho được những nhược điểm như Nghị quyết Trung ương 4 đã nêu. Nếu để tham nhũng, quan liêu kéo dài, mất lòng dân, để đội ngũ lãnh đạo không còn là công bộc của dân mà là người vơ vét thì rất nguy hiểm. Điều đó dẫn đến những con người thiếu trách nhiệm, sống vô cảm, xa rời dân, không bao giờ có ý thức gắn bó với dân mà luôn nghĩ đến kiếm chác, bổng lộc, địa vị. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến cả sự lãnh đạo của Đảng. Đi đến bè phái, tranh giành quyền lợi. Công tác quần chúng, dân vận không tốt thì sẽ dẫn đến những hậu quả đó.

Việc lựa chọn được những cán bộ toàn tâm toàn ý với Đảng, với dân là rất quan trọng. Sự lãnh đạo của Đảng phải kiên quyết, không nên do dự, nửa vời. Vấn đề là phải tôn trọng ý kiến nhân dân, đoàn thể, lắng nghe phản biện xã hội. Cần phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, học dân, hiểu dân và gần dân.