Giữ vững tốc độ tăng trưởng
Theo lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng, xác định phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiệm kỳ qua, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển đồng bộ cả về quy mô và chất lượng, giữ vững tốc độ tăng trưởng khá cao (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,63%), một số mặt tăng trưởng vững chắc, sản phẩm hàng hóa đa dạng, xây dựng được thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản (công nghiệp - xây dựng chiếm 48,98%; thương mại - dịch vụ chiếm 45,14%; nông nghiệp - thủy sản chiếm 5,88%). Giá trị nông nghiệp, thủy sản trên 1ha canh tác đạt 371 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 1,25 lần so với năm 2015.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn nhiệm kỳ 2015 - 2020 ước đạt 2.540 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm đạt 13% (không tính thu tiền sử dụng đất), đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/người, gấp 2,1 lần năm 2015. Huy động tốt các nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân… Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đầu tư phát triển; lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng năm 2020 ước đạt 6.601 tỷ đồng; giá trị sản xuất tăng bình quân 9,59%/năm. Thương mại - dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sinh thái bền vững, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng chỉ dẫn địa lý thương hiệu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đến nay, huyện đã xây dựng được thương hiệu bưởi tôm vàng Đan Phượng, dán tem nhận diện hàng hóa nông sản cho sản phẩm rau an toàn của các xã Phương Đình, Thượng Mỗ, Đan Phượng, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp mã QR cho sản phẩm bưởi tôm vàng và rau hữu cơ. Tập trung triển khai dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư xã Trung Châu, Phương Đình (35ha)... Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng từ 907 tỷ đồng năm 2015 lên 998 tỷ đồng năm 2020. Giá trị nông nghiệp, thủy sản đạt 371 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 1,25 lần so với năm 2015.
Công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) được chỉ đạo quyết liệt, với cách làm sáng tạo. Năm 2010, khi triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Đan Phượng có xuất phát điểm thấp so với bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Đến hết năm 2015, huyện có 15/15 xã đạt chuẩn NTM. Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội và là 1 trong 10 huyện tiêu biểu trong cả nước được công nhận huyện NTM…
Không dừng lại ở đạt chuẩn các tiêu chí, Đan Phượng triển khai ngay việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao. Một lần nữa, Đan Phượng lại tiên phong về xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn TP. Đến hết năm 2019, huyện có 9 xã được TP công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2020, Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành xây dựng NTM nâng cao tại 6 xã còn lại, phấn đấu cuối năm 2020 toàn huyện có 100% các xã đạt NTM nâng cao...
Hướng tới mục tiêu phát triển lên quận
Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng, trong thời gian qua, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xác định là một trong hai khâu đột phá của huyện. Nhiệm kỳ qua, huyện đã huy động được 2.597,93 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 646 dự án ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, có nhiều dự án lớn, quan trọng như: Đường nhánh N1, N14, N10; đường vào đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành; cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 417 (giai đoạn 1); các công trình trường mầm non ở các xã; nhà văn hóa xã, thôn; trạm y tế; đường giao thông thôn, làng, ao môi trường…
Nhân dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng quê hương, toàn huyện xây dựng mới 14 cổng làng, 4 cổng chào, 13 sân bóng đá, 90 sân cầu lông và nhiều công trình văn hóa khác như sân chơi, bãi tập thể thao... Hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư tương đối đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thế và lực mới cho huyện; nâng cao vị thế và môi trường đầu tư, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Sự nghiệp văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao được quan tâm và có bước phát triển mới. Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, việc xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ mới có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2020 toàn huyện có 11/15 (đạt 77,3%) xã đạt chuẩn văn hóa NTM (vượt chỉ tiêu 5 xã)… Giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển toàn diện, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo nền móng cho sự phát triển. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm, trú trọng…
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, giai đoạn 2020 - 2025, Đan Phượng đề ra mục tiêu: Phát huy truyền thống huyện anh hùng, kết quả xây dựng NTM, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động tốt mọi nguồn lực, hoàn thành quy hoạch, đầu tư hạ tầng tạo bước đột phá cho phát triển. Tiếp tục tái cơ cấu các ngành kinh tế; tạo bước tăng trưởng nhanh, vững chắc theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp; Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội gắn với bảo vệ môi trường; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; xây dựng, phát triển huyện Đan Phượng sớm trở thành quận trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Huyện Đan Phượng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đến 2025: Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu bình quân hàng năm trên 12%. Trong đó, dịch vụ - thương mại 13 - 14%, công nghiệp - xây dựng 11 - 12%, nông nghiệp 1 - 1,2%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ - thương mại 48%; công nghiệp - xây dựng 48%; nông nghiệp 4%; giá trị nông nghiệp, thủy sản trên 1ha canh tác đạt 485 triệu đồng/ha/năm, trong đó giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 295 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt 95 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo. 15/15 xã đạt chuẩn văn hóa NTM, xây dựng 2 tuyến phố văn minh đô thị. |