Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc đối đầu giữa Voi (đảng Cộng hòa) và Lừa (biểu tượng của đảng Dân chủ) lần này sẽ tác động lớn tới chính trường Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.
Ngay sau kỳ nghỉ hè, các thành viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tận dụng mọi cơ hội để giành thế thượng phong trong cuộc bầu cử giữa kỳ vì đảng nào chiếm được 218/435 ghế tại Hạ viện sẽ nắm được quyền kiểm soát cơ quan này, còn tại Thượng viện con số này sẽ là 51/100. Hiện, quyền kiểm soát Thượng viện Quốc hội được chia đều cho cả hai đảng, nhưng trong bối cảnh uy tín chính trị của Tổng thống Obama đang xuống thấp, đảng Cộng hòa kỳ vọng sẽ giành đa số ghế tại Thượng viện để chi phối quyền lực Quốc hội, ngăn cản thông qua một số chính sách của Tổng thống đảng Dân chủ, từ đó dọn đường cho cuộc bầu cử Tổng thống 2 năm tới. Đặc biệt, cuộc bầu cử lần này cũng chứng kiến cuộc bỏ phiếu bầu ra 36/50 Thống đốc bang. Đảng nào giành được nhiều ghế Thống đốc bang sau cuộc bầu chọn lần này chắc chắn sẽ giành thế thượng phong trong cuộc tổng tuyển cử 2016.
Lịch sử cho thấy đảng Cộng hòa có nhiều lợi thế, bởi đảng của Tổng thống đương nhiệm thường bị mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Thực tế cũng tạo những lợi thế nhất định cho các ứng viên nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa khi cử tri tỏ ra thất vọng với các quyết sách của chính quyền cũng như cách thức điều hành nền kinh tế của Tổng thống. Tuy nhiên, các cuộc đấu đá liên miên giữa Lừa - Voi diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử năm 2012 đã nhiều lần đẩy nước Mỹ vào sự bế tắc như tranh cãi liên quan đến trần nợ, ngân sách...
khiến uy tín của nền kinh tế thế giới bị sụt giảm. Ngoài ra, các tranh cãi xung quanh vấn đề cấp bách như cải cách Luật Nhập cư đến kiểm soát súng đạn, cải cách hệ thống bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe… đều không tìm ra được lối thoát khiến hơn 100 triệu cử tri tham gia cuộc bầu cử ngày 4/11 vẫn chưa biết đặt niềm tin vào đảng nào. Thậm chí, do cuộc đua tại một số bang khá quyết liệt và sự cách biệt giữa các ứng cử viên của hai đảng không lớn, nhiều khả năng kết quả bầu cử Thượng viện phải tới đầu năm 2015 mới được phân định, ảnh hưởng lớn đến việc thông qua và thực thi các chính sách đối ngoại cấp bách.
Chưa rõ trong cuộc bầu cử này, phần thắng sẽ nghiêng về Voi hay Lừa, nhưng có một điều chắc chắn là sự xáo trộn trong bộ máy hành pháp và lập pháp có ảnh hưởng không nhỏ tới những chương trình mà chính quyền ông Obama đang thực hiện. Trong nửa cuối của nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Obama sẽ gặp nhiều khó khăn nhằm thông qua các gói kích thích kinh tế, tạo thêm việc làm; những dự thảo luật quan trọng như đóng cửa nhà tù Guantanamo, hợp thức hóa cho người nhập cư; nhất là những quyết định liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, phương thức xử lý khủng hoảng tại Ukraine, chiến lược xoay trục tại một số khu vực… Và sự trì hoãn trong việc thực thi những chính sách này chắc chắn sẽ tác động mạnh tới tình hình chính trường, thị trường thế giới.
Một phiên họp của Quốc hội Mỹ. Ảnh: REUTERS
|