Đang điều khiển xe mô tô mà ngồi về một bên, bị phạt bao nhiêu tiền?

Khang Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường hợp ngồi một bên điều khiển xe máy khi xe đang chạy sẽ bị xử phạt bao nhiêu và có bị xử phạt bổ sung gì hay không?

 

Đang điều khiển xe mô tô mà ngồi về một bên, bị phạt bao nhiêu tiền? - Ảnh 1
 

Hỏi: Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại "màn biểu diễn" đi xe mô tô của một nam thanh niên khiến nhiều người thót tim. Theo đó, nam thanh niên không chỉ ngồi vắt chân sang một bên, còn lạng lách, đánh võng trên đường gây nguy hiểm tính mạng cho nhiều người khác. Đề nghị cho tôi biết, với các hành vi vi phạm trên thì nam thanh niên này sẽ bị xử phạt như thế nào? 

Trả lời:

 -  Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

“3. Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

- Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:

"Điều 6. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

8. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;

b) Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị;

c) Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

d) Điều khiển xe thành nhóm từ 02 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;

đ) Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn."

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng; tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện. ……;"

- Khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính như sau:

" 1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo quy định, hình ảnh của người thanh niên trong clip cho thấy đã vi phạm với lỗi ngồi về một bên điều khiển xe mô tô khi xe đang chạy và lỗi điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị. Theo đó, với 02 hành vi vi phạm đã nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng, tịch thu phương tiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần