Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đăng ký bán hàng trên Amazon: Cơ hội “lên sàn” cho những doanh nghiệp uy tín

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương Việt Nam và Amazon mới đây đã thống nhất Chương trình hợp tác trong 3 năm (2019 - 2021) với việc hỗ trợ DN Việt xuất khẩu toàn cầu.

Theo đó, Amazon hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các DN và các sản phẩm của DN Việt trên môi trường thương mại điện tử; đào tạo các DN có thể phát triển xuất khẩu qua Amazon. Hiện Amazon và Cục Xúc tiến thương mại đã lựa chọn 100 DN đợt đầu tiên có thể đăng ký tài khoản cũng như xuất khẩu qua Amazon.
Thị trường rộng nhưng không dễ vào
Hiện trang thương mại điện tử Amazon là đại thị trường với quy mô lên tới 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia, trong đó có hàng triệu đại lý mua buôn số lượng lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Với quy mô khổng lồ này, Amazon là mảnh đất kinh doanh màu mỡ đối với các cá nhân, DN Việt mong muốn xuất khẩu hàng ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, cơ hội “lên sàn” lại chỉ dành cho những DN tuân thủ những nguyên tắc, quy định nghiêm ngặt của Amazon về hàng hóa.
 
Giám đốc cơ sở Andre Gift Shop (DN sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ làm bằng da, đồ nhà bếp... bán trên Amazon) Hân Nguyễn chia sẻ, lúc đầu cơ sở là 1 căn xưởng nhỏ trên gác mái với 4 nhân viên, nhưng sau thời gian ngắn được bán hàng trên Amazon đã phát triển với xưởng sản xuất có quy mô 300m2 và 35 nhân viên.
Hiện doanh số từ Amazon chiếm 50% doanh số bán hàng trực tuyến của DN và dự kiến tăng lên 70% trong năm 2021. Mục tiêu vào cuối năm 2019, DN sẽ mở rộng thị trường sang Úc, châu Âu, Nhật Bản thông qua kênh bán hàng Amazon.
Thực tế hoạt động mua - bán trên Amazon cho thấy, các sản phẩm được bán trên trang thương mại điện tử lớn này có giá trị gấp nhiều lần khi bán trong nước. Đơn cử trên trang Amazon Mỹ, chổi đót Việt Nam có giá 14,99 USD trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 30.000 đồng; Phin pha cà phê bán tại siêu thị chỉ 40.000 đồng nhưng trên Amazon giá 9,99 USD (230.000 đồng); cao sao vàng chưa đến 10.000 đồng/hộp được bán với giá 7 USD (hơn 150.000 đồng)...
Nhiều quy định ngặt nghèo
Mặc dù Amazon là thị trường tiêu thụ rộng lớn, DN có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động thương mại nhưng không phải cứ muốn là DN có thể “lên sàn” ngay bởi phải tuân thủ những quy định hết sức ngặt nghèo trong việc đăng ký giấy phép, quảng bá thương hiệu, vận chuyển hàng hóa...
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM - Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú, sản phẩm lên Amazon tiêu thụ phải có thông tin số điện thoại hỗ trợ người mua hàng, bản mô tả chi tiết bằng tiếng Anh để người bản xứ có thể đọc được. Đặc biệt sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn áp dụng tại thị trường tiêu thụ, có mã số, mã vạch chuẩn quốc tế, đăng ký thương hiệu trên Amazon để sử dụng mã vạch của Amazon...
Người bán cũng phải am hiểu về danh mục sản phẩm như sản phẩm thuộc danh mục cần phê duyệt (phải đủ các giấy tờ để phê duyệt) hoặc danh mục sản phẩm mở (danh mục không cần phê duyệt), đáp ứng quy định an toàn sản phẩm tại địa phương bán hàng. “Nếu DN bán mặt hàng thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm liên quan tới sức khỏe tại thị trường Mỹ phải đáp ứng yêu cầu của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)” - ông Phú nêu ví dụ.
Liên quan đến vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh - cho biết thêm: Amazon có những chính sách bán hàng rất khắt khe, thường xuyên khóa tài khoản người bán khi người mua phản ánh mua phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng đã được bảo hộ thương hiệu... Với những quy định ngặt nghèo này nên chỉ khoảng 20% DN tự mở được tài khoản trên Amazon.
Nhằm hỗ trợ DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa tiếp cận, phát triển thương hiệu trên nền tảng Amazon, từ nay đến hết năm 2021, Cục XTTM và Amazon hợp tác hướng dẫn, hỗ trợ DN tạo tài khoản Amazon, hoàn tất thủ tục xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa, quảng bá sản phẩm qua đó đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Amazon thuận lợi và hiệu quả. Từ ngày 1/4/2019, Cục XTTM và Amazon Global Selling thí điểm lựa chọn 100 DN có sản phẩm đáp ứng với các tiêu chí của Amazon để đưa sản phẩm vào hệ thống Amazon, đồng thời DN được đào tạo về thương mại điện tử để phát triển xuất khẩu qua Amazon.

"Mặc dù các cơ quan truyền thông thông tin việc hợp tác giữa Amazon và Cục XTTM để hỗ trợ các nhà bán hàng Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, tuy nhiên việc hợp tác này đều là những người thuộc Amazon Global Selling – chương trình hỗ trợ những người tại Việt Nam bán hàng ở thị trường Mỹ, không phải là đội ngũ thiết lập để Amazon vào Việt Nam. "- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng