Đăng ký kinh doanh đang làm khó doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng triển khai Luật DN, Luật Đầu tư, theo ghi nhận của phóng viên báo...

Kinhtedothi - Sau gần 2 tháng triển khai Luật DN, Luật Đầu tư, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, số lượng DN đến làm thủ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) tại Sở KH&ĐT Hà Nội đã tăng đột biến, thậm chí có ngày lên đến gần 700 DN đến làm thủ tục. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại bộ phận ĐKKD.

 Mặc dù tại bộ phận này đã được tăng cường cán bộ, chuyên viên, mỗi người cũng đã phải căng mình làm việc nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có văn bản hoặc nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đang làm khó cho cả DN lẫn các nhân viên bộ phận một cửa và cán bộ Phòng ĐKKD.

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng

Đến làm thủ tục thành lập DN, chị Lã Thị Thu Hà chia sẻ: “Đi lại mấy lần mà vẫn chưa xong. Khi mang giấy hẹn thời gian nhận kết quả đến, hôm thì thông báo lỗi mạng, hôm thì cán bộ Phòng ĐKKD nghỉ”. Trước khi tới đăng ký, chị đã chủ động tra cứu thông tin trên mạng, về cơ bản, thấy thủ tục cũng đơn giản. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là thời gian chờ rất lâu do số lượng DN có nhu cầu đăng ký quá đông.
Doanh nghiệp đang làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa.   Ảnh: Nguyên Dương
Doanh nghiệp đang làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại bộ phận một cửa. Ảnh: Nguyên Dương
Trả lời về việc có kiến nghị gì đối với thủ tục ĐKKD như hiện nay, chị Hà nói: Thứ nhất, đã hẹn phải đúng, không thể cứ nay hẹn rồi mai hẹn, rất mất thời gian của DN. Thứ hai, trụ sở cần được mở rộng hơn hoặc chia ra nhiều chi nhánh để không tập trung một chỗ, từ đó sẽ giảm được tình trạng quá tải. Anh Phạm Ngọc Tú – nhân viên Vietcombank cho biết, tới Sở KH&ĐT để thay đổi người đại diện cơ quan, nhưng nhìn số lượng người đông như thế này sợ xếp hàng cả ngày không đến lượt. Mấy trăm DN tới đăng ký một lúc, vậy mà nhìn thoáng qua chỉ có khoảng chục bàn làm thủ tục, như vậy khó có thể đáp ứng được yêu cầu của DN. Theo anh Tú, để nâng cao hiệu quả cũng như tạo điều kiện cho DN, cần sắp xếp, phân chia
Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 6, trung bình mỗi ngày có hơn 500 hồ sơ DN đăng ký. Đến tháng 7, khi Luật DN mới chính thức có hiệu lực, con số này tăng lên 23%, và tăng 63% so với cùng kỳ năm trước.
các địa điểm đăng ký theo cụm quận, huyện nhằm giảm tải trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ.

Chưa có văn bản hướng dẫn

Nhận xét về thủ tục ĐKKD, theo quy định của Luật DN mới, giám đốc một DN (xin được giấu tên) chia sẻ: Bây giờ làm thủ tục phức tạp hơn so với trước. Chẳng hạn, trước đây chỉ nộp hồ sơ và lấy kết quả trong Phòng ĐKKD của Sở KH&ĐT, nhưng bây giờ, sau khi đăng ký, DN lại phải làm thêm nhiều khâu như đối với trường hợp thành lập mới hoặc thay đổi con dấu, DN phải quay lại nộp hồ sơ để công bố con dấu và nhận kết quả con dấu. Ngoài ra, trước đây khi thành lập DN được lựa chọn đăng bố cáo ở ngoài, bây giờ phải đăng trên hệ thống thông tin điện tử của Bộ KH&ĐT, vì thế thủ tục rườm rà hơn.

Theo vị giám đốc này, trong Luật DN mới, xét về ngày giờ thì có bớt đi, nhưng về đầu mục hồ sơ lại phức tạp hơn. “Một điểm quan trong nữa là, Luật DN 2014 có rất nhiều điểm mới, nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có công văn, văn bản hướng dẫn cụ thể. Các DN đều phải tự tìm hiểu, tự biết. Rất mong thời gian tới, các văn bản này sớm được ban hành để DN thuận lợi hơn” – vị giám đốc này chia sẻ.

Bên cạnh 2 “điểm trừ” trên cũng có thể thấy, cơ sở hiện tại để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DN chưa đáp ứng đủ. Cụ thể, 14 giờ 15 phút, các DN đến đã không còn số để nhận hồ sơ hoặc thay đổi kết quả. Mới chỉ 15 giờ 30, nhưng lượng hồ sơ tồn đọng còn đến vài trăm chưa được tiếp nhận.

Cần mở rộng trụ sở, tăng số lượng cán bộ

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng ĐKKD số 1 (Sở KH&ĐT) Phạm Thị Kim Tuyến cho biết, số lượng DN và số lượng hồ sơ đều tăng, điều đó cho thấy sự tích cực của Luật mới. Áp dụng Luật mới, DN sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Cụ thể, về thuận lợi đó là thời gian giảm hơn, nhiều loại giấy tờ, thủ tục được loại bỏ so với trước, việc chuẩn bị hồ sơ cũng rất đơn giản. Tuy nhiên, DN sẽ gặp khó khăn khi phải tiếp cận nhiều hơn với hệ thống thông tin đăng ký quốc gia, tức là cổng thông tin đăng ký DN.

“Việc các DN cho rằng thủ tục nhiều hơn, thực chất không phải như thế. Ví dụ như phần công bố thông tin, theo Luật DN 2005, DN được chọn công bố ở cổng thông tin quốc gia hay các phương tiện truyền thông khác, còn Luật DN mới ấn định công bố trên cổng thông tin quốc gia” - bà Tuyến khẳng định.

Chia sẻ về kiến nghị đối với thủ tục ĐKKD, bà Tuyến chia sẻ: “Số lượng DN tăng, thủ tục cũng tăng thấy rõ, áp lực cho cán bộ nhiều hơn. Nếu như mở rộng được trụ sở, khu vực tiếp dân để tăng thêm bàn tiếp nhận, công dân cũng được ngồi đầy đủ chứ không phải đứng chật như hiện nay. Cần tăng thêm lượng cán bộ để có thể giải quyết lượng hồ sơ đầu vào”. Bà Tuyến mong sớm có thông tư, nghị định hướng dẫn để vừa tạo điều kiện làm việc cho cán bộ tại Phòng ĐKKD cũng như tạo thuận lợi hơn cho DN đến làm thủ tục.

Vẫn phải chờ hướng dẫn

Ông Nguyễn Hữu Lương - Phó Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT, Trưởng bộ phận một cửa cho biết, Luật DN mới 2014 có thêm một số thủ tục phát sinh, nên các DN sẽ phải làm thêm một số thủ tục liên quan đến ĐKKD dẫn đến số lượng hồ sơ tăng đột biến. Cụ thể, từ 1/7, DN sẽ phải làm thủ tục công bố mẫu con dấu trước khi hoạt động. Hiện, thủ tục về dấu chiếm khoảng 20% lượng hồ sơ. Ngoài ra, còn có thủ tục công bố thông tin DN cũng khiến lượng hồ sơ rất lớn... Một nguyên nhân nữa khiến khối lượng công việc tăng lên là một số thay đổi trong các thao tác trên phần mềm. Với một hồ sơ thay đổi nội dung ĐKKD, trước đây cán bộ một cửa chỉ phải nhận một lần, cán bộ Phòng ĐKKD chỉ cần thụ lý một lần để ra quyết định cấp giấy chứng nhận ĐKKD mới, nhưng hiện nay, với những hồ sơ có nhiều nội dung thay đổi thì các cán bộ liên quan đều phải thao tác nhiều lần.

Mặc dù, Sở KH&ĐT đã chủ động dự kiến trước những thay đổi của Luật DN mới, tuy nhiên khối lượng hồ sơ rất lớn, lại chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể, chính thức nên để tạo điều kiện tối đa giải quyết hồ sơ cho DN, Sở chỉ có thể bổ sung cán bộ cho bộ phận này. Sở cũng phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo với TP để mở rộng diện tích, bố trí thêm trang thiết bị, cán bộ, phòng lưu trữ hồ sơ.

Trả lời về việc 2 thủ tục công bố thông tin và khắc dấu có thực sự cần thiết hay không, ông Lương cho rằng: “Hai thủ tục này đã được quy định trong Luật DN 2014, và việc này thực hiện theo quy định. Sở cũng đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT triển khai nộp hồ sơ qua mạng, đặc biệt là với hồ sơ thông báo công bố mẫu con dấu, vì nội dung rất đơn giản. Như thế rất tiện, giảm thời gian cho cả cơ quan Nhà nước và DN”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần