Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học: cẩn trọng kẻo bị “trắng tay”

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 22/7, thí sinh bước vào ngày thứ 5 đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Theo các chuyên gia, thí sinh được trao quyền tối đa trong đăng ký xét tuyển; tuy nhiên cũng phải nắm được các nguyên tắc khi đăng ký trên hệ thống.

Các nguyện vọng bình đẳng về điểm chuẩn

Theo quy định, thí sinh phải đăng ký mọi nguyện vọng trên hệ thống chung, gồm cả những nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Hệ thống xét từ trên xuống dưới một cách bình đẳng, không có sự chênh lệch về điểm chuẩn giữa các nguyện vọng vào cùng một trường.

Thí sinh được trao quyền tối đa trong xét tuyển đại học.
Thí sinh được trao quyền tối đa trong xét tuyển đại học.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng liệu có chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nguyện vọng hay không?

"Phụ huynh, thí sinh bị ám ảnh bởi quy định xét tuyển tại kỳ thi vào lớp 10 ở một số địa phương, tức là điều kiện áp dụng cho các nguyện vọng sau sẽ nhiều hơn, khó hơn so với nguyện vọng 1. Tuy nhiên, nguyên tắc xét tuyển đại học không như vậy, mọi nguyện vọng bình đẳng như nhau" - PGS.TS Vũ Thị Hiền giải thích.

Theo đó, thứ tự nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh. Các em được công nhận trúng tuyển tại nguyện vọng cao nhất mà mình đủ điều kiện. Thí sinh nên đặt ngành và trường yêu thích nhất làm nguyện vọng 1. Những ngành/trường đã trúng tuyển sớm có thể đặt ở đầu nếu các em thực sự yêu thích, ngược lại có thể đặt phía sau. Nếu trượt nguyện vọng yêu thích phía trên, thí sinh vẫn chắc chắn trúng tuyển vào các trường/ngành đã đỗ sớm, dù đặt ở dưới.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: hệ thống của Bộ chỉ yêu cầu thí sinh đăng ký ngành và trường mà không phải chọn phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Bởi vậy, thí sinh không cần quá lo lắng nếu điểm theo tổ hợp dự kiến không cao như mong đợi. Hệ thống sẽ tự động xét theo điểm của tổ hợp cao nhất, phù hợp với ngành thí sinh đã chọn. Về mặt kỹ thuật, hệ thống đã được thiết kế một cách tối ưu để mỗi thí sinh đều có cơ hội trúng tuyển tốt nhất. 

“Khi đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, thí sinh chỉ cần quan tâm tới ngành đào tạo và trường. Tuy nhiên, thí sinh phải cập nhật lên hệ thống những dữ liệu liên quan tới việc xét tuyển (điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ năng lực quốc tế, đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội...). Phần mềm sẽ tự động lựa chọn phương thức, tổ hợp mà thí sinh có lợi nhất để xét tuyển” - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ phân tích.

Thực hiện đúng, đủ các bước đăng ký

Một điều tưởng chừng đơn giản, nhiều thí sinh coi nhẹ nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng, đó là việc thí sinh cần bảo mật tài khoản truy cập vào hệ thống, vì nếu để lộ có thể sẽ bị người khác điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng xét tuyển của mình.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ -Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn cho thí sinh về các nguyên tắc xét tuyển đại học, cao đẳng 2024.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ -Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn cho thí sinh về các nguyên tắc xét tuyển đại học, cao đẳng 2024.

Dù nguyên tắc cho phép đăng ký không giới hạn nguyện vọng, nhưng các chuyên gia cho rằng, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, mà hãy cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng hợp lý với các ngành mình yêu thích và ngành có cơ hội đỗ cao để hạn chế rủi ro trượt tất cả nguyện vọng.

“Nếu đăng ký quá nhiều, các em sẽ lẫn lộn, bối rối, lúng túng không biết sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự như thế nào và dễ nhầm lẫn thứ tự giữa các nguyện vọng. Chưa kể, đăng ký nhiều nguyện vọng quá cũng gây tốn kém lệ phí tuyển sinh” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý.

Các chuyên gia thông tin, nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở đào tạo lớn sẽ tuyển sinh hết chỉ tiêu ngay trong lần xét tuyển đợt 1, không còn nhiều lựa chọn cho thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung.

Thời hạn đăng ký xét tuyển nguyện vọng đợt 1 từ 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7. Thí sinh còn 9 ngày nữa để đăng ký và sau khi đăng ký, hệ thống vẫn cho phép điều chỉnh nguyện vọng không giới hạn số lần. Vì vậy, nếu thí sinh nào chưa đăng ký thì cần sớm thực hiện các thao tác đăng ký theo hướng dẫn.

"Khi đăng ký, thí sinh bắt buộc phải thực hiện đúng, đủ các bước đến khi nhấn nút kết thúc quy trình bởi khi đó, hệ thống mới ghi nhận nguyện vọng của các em" - đại diện Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

 

Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7, đối tượng thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên Hệ thống (nếu có).

Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trước 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trước 17 giờ ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên hệ thống.