Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đăng ký xét tuyển sớm: Tránh biến lợi thế thành rủi ro

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Xét tuyển sớm là hình thức tuyển sinh rất mở, tạo điều kiện tốt cho thí sinh trúng tuyển vào ngành mình yêu thích; đồng thời là cơ hội để cơ sở đào tạo tuyển được những sinh viên có chất lượng, phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT như: Xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực/đánh giá tư duy hoặc các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…

Nhiều trường xét tuyển sớm

Một trong những cơ sở đầu tiên công bố điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm tại phía Bắc là Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ngày 15/4, cơ sở này công bố kết quả xét tuyển sớm (dựa trên kết quả học tập THPT) đợt 1 đại học chính quy năm 2023.

Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thông báo kết quả trung tuyển đợt 1 bằng phương thức xét tuyển sớm
Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1 bằng phương thức xét tuyển sớm.

Theo đó, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là ngành Truyền thông đa phương tiện với mức 25 điểm (tổ hợp A00, A01, C00, D01); tiếp đó là ngành Quản trị kinh doanh với mức 22 điểm (tổ hợp A00, A01, D01) và 23 điểm (tổ hợp C00). Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cũng có điểm chuẩn 22 (tổ hợp A00, A01, C00, D01); riêng đối với cơ sở tại TP Hồ Chí Minh ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành lấy mức 18 điểm.

Ngành Luật và Luật kinh tế điểm chuẩn là 21.5 điểm; ngành Kinh tế (tổ hợp A00, A01, D01) có điểm chuẩn 21 điểm (tổ hợp C00 là 22 điểm); ngành Tâm lý học áp dụng mức điểm trúng tuyển là 22 (tất cả tổ hợp). Ngành Công nghệ thông tin, ngoài yêu cầu bắt buộc là điểm tổng kết môn Toán học kỳ 1 lớp 12 thuộc các tổ hợp bắt buộc >= 7.0 thì tất cả các tổ hợp xét tuyển đều lấy mức 20 điểm. Ngành Công tác xã hội, ngành Giới và phát triển có mức điểm chuẩn 18.

Ngày 28/4, Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục ra thông báo về việc xét tuyển sớm đợt 2 năm 2023 trong thời gian từ 1/5 đến 17 giờ ngày 31/5; kết quả xét tuyển sớm đợt 2 sẽ có trước 17 giờ ngày 15/6/2023.

Năm 2023, Trường ĐH Luật Hà Nội dành 1.360 chỉ tiêu xét tuyển sớm theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng các thí sinh theo đề án tuyển sinh của trường và quy chế tuyển sinh; xét tuyển với các thí sinh tham dự vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia; xét tuyển dựa trên kết quả học tập của bậc THPT đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (xét tuyển chương trình liên kết với Đại học Arizona, Mỹ). Thí sinh có nhu cầu xét tuyển sớm đăng ký trực tuyến từ ngày 20/4 đến 15/5; dự kiến từ ngày 25/5, trường sẽ thông báo kết quả qua hòm thư điện tử.

Qua ghi nhận, hiện nhiều cơ sở đào tạo đại học trên cả nước đã và đang mở cổng đăng ký xét tuyển sớm năm 2023.

Làm chủ phương thức xét tuyển sớm

Tại văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2023, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, công tác tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm được thực hiện theo quy định tại Điều 18 của Quy chế tuyển sinh.

Xét tuyển sớm tạo nhiều cơ hội nhưng thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin và quy định của Bộ GD&ĐT về xét tuyển sớm
Thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin, quy định của Bộ GD&ĐT về xét tuyển sớm.

Các cơ sở đào tạo phải cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên Hệ thống trước 17 giờ ngày 8/7/2023. Các cơ sở chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thì phải thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ. 

Các cơ sở phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến, chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT thông báo. Ngoài ra, các cơ sở phải thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ...). Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được cơ sở đào tạo thông báo kết quả xét tuyển và đưa lên Hệ thống để thí sinh chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Để minh bạch thông tin, Bộ đề nghị các cơ sở đào tạo phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, bảo đảm đồng bộ giữa việc thí sinh nộp hồ sơ về cơ sở đào tạo và đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. 

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay: Nếu được các cơ sở đào tạo thông báo trúng tuyển, các thí sinh cần lưu ý, đây mới chỉ là kết quả trúng tuyển có điều kiện. Thí sinh cần tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có việc phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH theo lịch chung của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7. Đồng thời, các em vẫn phải bảo đảm điều kiện được công nhận tốt nghiệp THPT.

“Từ thực tế tuyển sinh ĐH năm 2022 cho thấy, có tình trạng thí sinh sau khi nhận được thông báo trúng tuyển của cơ sở đào tạo lại tưởng rằng như vậy đã hoàn thành quy trình xét tuyển, không kịp thời làm các thủ tục tiếp theo và bị ảnh hưởng đến quyền lợi học tập. Một số học sinh lại chủ quan với kỳ thi tốt nghiệp THPT nên không đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp, đồng nghĩa với việc không đủ điều kiện trúng tuyển ĐH” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy dẫn chứng.

Theo các chuyên gia, xét tuyển sớm là lợi thế, giúp thí sinh giảm áp lực, cơ hội trúng tuyển cao… Tuy nhiên, thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin và quy định của Bộ về vấn đề này, tránh việc biến lợi thế thành rủi ro khi đăng ký xét tuyển sớm.

 

Trường hợp thí sinh đã được cơ sở đào tạo thông báo đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) một nguyện vọng nhất định, thí sinh tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống (tùy thuộc thí sinh muốn được công nhận trúng tuyển nguyện vọng đó hay muốn mở rộng cơ hội trúng tuyển nguyện vọng khác). Trường hợp không đủ điều kiện trúng tuyển vào một ngành đào tạo theo nguyện vọng, thí sinh vẫn có thể tiếp tục đăng ký ngành đào tạo đó theo phương thức tuyển sinh khác trên hệ thống.

 Điều 18, Quy chế tuyển sinh