Tuy nhiên, nhìn vào từng con số cụ thể còn nhiều vấn đề đáng quan ngại bởi xuất siêu hoàn toàn thuộc về khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Những kết quả tích cực
Xuất siêu hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2022 được nhận diện dưới một số góc độ khác nhau. Thứ nhất, trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển từ vị thế nhập siêu trong 7 tháng đầu năm trước (3301 triệu USD, với tỷ lệ nhập siêu gần 1,8%) sang xuất siêu trong 7 tháng đầu năm nay (1,083 tỷ USD, với tỷ lệ xuất siêu 0,5%).
Thứ hai, xuất siêu không chỉ là vị thế có tính chất chính trị, mà còn tác động nhiều mặt về kinh tế. Rõ nhất là cán cân thương mại đạt thặng dư, góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, cải thiện quỹ dự trữ ngoại hối của đất nước (đã tăng nhanh trong mấy năm gần đây, đạt kỷ lục vào quý I/2022, nhưng đang đứng trước nhiều sức ép làm giảm), giảm sức ép làm tăng tỷ giá VND/ngoại tệ, giảm sức ép đến lạm phát, ổn định lòng tin đối với đồng tiền quốc gia…
Xuất siêu còn có tác động tăng thị phần tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước về 2 mặt: Đó là tăng thị phần tiêu thụ ở nước ngoài, hạn chế sự xâm nhập làm mất một phần thị phần ở trong nước của hàng hóa nhập khẩu, nên góp phần vào tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm nay tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm trước).
Thứ ba là xuất/nhập siêu theo khu vực. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục xuất siêu, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (18,977 tỷ USD so với 14,934 tỷ USD), cả về tỷ lệ xuất siêu (12,5% so với 10,8%). Khu vực kinh tế trong nước tuy vẫn còn nhập siêu, nhưng kỳ này đã giảm so với cùng kỳ về tỷ lệ nhập siêu (33,2% so với 37,3%).
Thứ tư là xuất siêu theo thị trường. Trong 86 thị trường chủ yếu, có tới 55 thị trường Việt Nam ở vị thế xuất siêu, trong đó có 15 thị trường có mức xuất siêu lớn (trên 1 tỷ USD), cao nhất là Mỹ, tiếp đến là Hà Lan, Hong Kong, Canada, Anh, Đức, Bỉ, Italia, Philipines, Tây Ban Nha…
Kỳ vọng cả năm và các vấn đề đặt ra
Từ diễn biến tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng và các yếu tố tác động đến 5 tháng còn lại, có thể kỳ vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. Trong 7 tháng năm 2022 xuất khẩu đạt 217,3 tỷ USD, bình quân 1 tháng đạt 31 tỷ USD, thì 5 tháng còn lại sẽ đạt 155 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng 16,6% của 7 tháng đầu năm (do số gốc so sánh là 5 tháng cuối năm có mức khá cao là 149,9 tỷ USD). Cộng cả năm sẽ đạt 372,3 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2021.
Nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 đạt 216,3 tỷ USD. Nếu bình quân 1 tháng đạt 30,5 tỷ USD, thì 5 tháng cuối năm đạt 152,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ - thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng tương ứng 14% của 7 tháng và cao hơn tốc độ tăng tương ứng 4% của xuất khẩu. Cộng cả năm 2022 sẽ đạt 368,8 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước.
Xuất siêu 7 tháng đầu năm đạt 1,08 tỷ USD; kỳ vọng xuất siêu trong 5 tháng cuối năm là 2,5 tỷ USD; kỳ vọng xuất siêu cả năm đạt khoảng 3,6 tỷ USD, tuy thấp hơn năm trước 0,5 tỷ USD, nhưng sẽ là năm thứ 7 liên tiếp iệt Nam xuất siêu và đây là chu kỳ dài nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, kỳ vọng đó cũng đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Đó là khu vực kinh tế trong nước còn nhập siêu lớn cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu. Nguyên nhân chủ yếu do khu vực này còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu (26,2%), trong khi chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong tổng kim ngạch nhập khẩu (35,1%).
Giá xuất khẩu tăng thấp hơn giá nhập khẩu (6 tháng là 8,04% so với 11,21%). Lượng nhập khẩu 7 tháng giảm như: hạt điều (-10,3%), chè (-4,9%), hạt tiêu (-20,9%), sắn (-12%), quặng và khoáng sản khác (-21,7%), than (-25,4%), dầu thô (-18,8%), xăng dầu (-11,5%), phân bón (-2,7%), sản phẩm gỗ (-7,5%), thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh (-4,6%), sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (-4,1%), cao su (-11,8%), xơ sợi dệt (-2,1%). Một số mặt hàng có kim ngạch lớn tăng trưởng chậm lại, như: gỗ vả sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói và thảm, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng.