Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau động thái Nhật Bản mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa việc xoa dịu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, Nhật Bản hứa hẹn sẽ làm cả hai.

Trong kế hoạch phòng thủ 5 năm được Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt hôm 18/12, chính phủ đã tiết lộ kế hoạch mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin. Đồng thời, Tokyo cam kết đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển một máy bay phản lực quân sự khác để thay thế F-2, được chế tạo bởi Mitsubishi và Lockheed.

 Máy bay chiến đấu F-35.

Cùng lúc, Nhật Bản đang tìm cách chống lại sự chỉ trích của ông Trump, về thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ mà không làm tổn hại ngành công nghiệp xe hơi, vốn đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế thứ 3 thế giới. Thông báo gia tăng kim ngạch nhập khẩu quốc phòng từ đồng minh duy nhất - điều mà chính ông Trump đã kêu gọi - được đưa ra trong bối cảnh hai bên đang chuẩn bị cho các đàm phán thương mại hai chiều, dự kiến bắt đầu ngay trong tháng tới.

Chiến lược này có thể khá đắt đỏ. Cái gọi là “Chương trình phòng thủ trung hạn phác thảo” tiêu tốn khoảng 27,5 nghìn tỷ yên (tương đương 244 tỷ USD) trong giai đoạn 2019-2023, cao hơn gần 3 nghìn tỷ yên so với giai đoạn 5 năm trước đó. Chương trình này dựa trên các điều khoản quốc phòng rộng hơn, đã được Nội các Nhật phê chuẩn hôm nay.

Với 42 chiếc F-35 đã giao và còn đang đặt hàng, Nhật Bản kỳ vọng đẩy tổng số máy bay trong chiến hạm lên tới 147, theo giới chức quốc phòng nước này. Chính phủ đang xem xét chuyển từ hoàn thành lắp ráp trong nước sang nhập khẩu máy bay đã thành phẩm từ Mỹ.

Việc này sẽ giúp giảm giá đơn vị xuống còn khoảng 11 tỷ yên từ 15 tỷ yên, theo tài liệu ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Tuy nhiên, ưu tiên giảm chi phí bằng cách nhập khẩu F-35 sẽ gây tổn thương cho ngành công nghiệp quốc phòng trong nước mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước đây luôn tìm cách bảo vệ.

Năm 2014, ông Shinzo Abe nới lỏng các hạn chế đối với xuất khẩu quốc phòng, hy vọng sẽ tăng cơ hội và giảm chi phí cho các nhà thầu quân sự “made in Japan” vốn bị giới hạn ở thị trường nội địa. Cho đến nay, chưa có nhà thầu quốc phòng Nhật Bản nào nổi bật trong top 20 thế giới, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.

Để giải quyết nguy cơ mất cân bằng từ việc này, Nhật Bản sẽ chủ động dẫn đầu trong việc phát triển máy bay thay thế cho dòng chiến đấu F-2 cũ kỹ của nước này.