Đằng sau dự án khí đốt "hâm nóng" quan hệ Nga - Pakistan

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây được coi là nỗ lực của Moscow hướng tới thị trường mới, nhằm bù đắp hoạt động kinh doanh đang giảm sút từ phương Tây và tăng cường sức mạnh khu vực.

Nga đang gia tăng các nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục quan hệ với Pakistan thông qua đường ống dẫn khí đốt tự nhiên trị giá 2,5 tỷ USD, đồng thời đề nghị hai bên tăng cường hỗ trợ trong lĩnh vực chống khủng bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: Getty
Giới phân tích coi các động thái này là nỗ lực của Moscow hướng tới thị trường năng lượng mới bù đắp hoạt động kinh doanh đang giảm sút từ phương Tây, tăng cường sức mạnh khu vực trong bối cảnh Mỹ có động thái làm sâu sắc hơn quan hệ với Ấn Độ và rút quân khỏi Afghanistan.
Vào ngày 15/7 vừa qua, phái đoàn Nga đã ký một hiệp ước tại Islamabad quy định các điều khoản cho dự án Đường ống dẫn khí PakStream (PSGP), trước đây được gọi là Dự án Đường ống dẫn khí đốt Bắc - Nam.
Đường ống dài 1.100km sẽ tăng gấp đôi khả năng vận chuyển 1,2 tỷ khối khí đốt hiện tại của Pakistan, dự kiến hoạt động vào năm 2023.
Đường ống này sẽ là khoản đầu tư lớn đầu tiên của Nga vào Pakistan trong nhiều thập kỷ, kể từ khi Nga giúp thành lập Công ty Phát triển Dầu khí vào thập niên 1960 và Nhà máy Thép Pakistan vào thập niên 1970.
Mối quan hệ giữa Nga và Pakistan lạnh nhạt kể từ thập niên 1980, khi Pakistan giúp Mỹ viện trợ quân sự và tài chính cho phiến quân Mujahedeen Afghanistan chống lại chính phủ được Liên Xô hậu thuẫn.
Tuy nhiên, giờ đây, nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang tìm kiếm các thị trường khí đốt mới vì châu Âu - khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga - đang chuyển hướng sang khí đốt sạch hơn từ Mỹ, theo Osama Rizvi - nhà phân tích tại Primary Vision (một viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ). 
Ông Osama Rizvi cho biết: “Đối với Pakistan, đây thực sự là một bước phát triển rất tích cực vì quốc gia này đang phải chịu sự thiếu hụt rất lớn về năng lượng”.
Pakistan đã dựa vào nguồn dự trữ khí đốt nội địa suốt thời gian qua. Tuy nhiên, trong 2 thập kỷ qua, quốc gia này đã phải vật lộn để tăng sản lượng khí đốt và nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng trước nhu cầu gia tăng từ dân số ngày càng tăng và quá trình công nghiệp hóa.