Đằng sau việc OPEC+ vẫn từ chối lời kêu gọi bơm thêm dầu từ Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm OPEC+ đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng hàng tháng do thiếu đầu tư vào các mỏ dầu ở các nước như Angola, Nigeria đã cản trở hoạt động sản xuất.

Trên thực tế, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, khó có khả năng tăng mạnh sản lượng dầu mỏ trong trường hợp liên minh này muốn hưởng ứng lời kêu gọi “xắn tay” giải quyết cuộc khủng hoảng nhiên liệu từ Mỹ.
Trong một thời gian tương đối dài, Nhà Trắng và các quan chức Chính phủ Mỹ đã hối thúc OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, khi các nền kinh tế trên toàn cầu bắt đầu phục hồi sau thời gian đóng cửa để phòng ngừa dịch Covid-19.
 Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây liên tục hối thúc OPEC+ đẩy nhanh việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu và hạ nhiệt giá dầu. 
Tuy nhiên, trong cuộc họp chính sách đầu tháng này, OPEC+ cho biết vẫn giữ ý định bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng đã được thống nhất tại cuộc họp tháng 7 vừa qua.
OPEC+ vẫn thận trọng khi nói rằng, nếu họ cung cấp thêm dầu ra thị trường, cán cân thị trường sẽ nhanh chóng chuyển sang hướng khác. Nguồn cung hiện đang eo hẹp, nhưng cán cân dự kiến sẽ trở lại dư thừa vào đầu năm 2022. Khi đó, những thùng dầu tăng thêm vào cuối năm nay sẽ lại bị cắt giảm.
Nguồn tin từ OPEC+ cho biết, đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Âu buộc chính phủ các nước này phải tái áp đặt biện pháp hạn chế mới chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu về “vàng đen”.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định nếu OPEC+ chấp thuận yêu cầu của Mỹ, vẫn chưa rõ liệu nhóm này có thể cung cấp thêm bao nhiêu thùng dầu ngoài mức tăng 400.000 thùng/ngày theo kế hoạch. Nếu nhóm cam kết tăng 600.000 thùng/ngày hoặc thậm chí 800.000 thùng/ngày trong tháng 12, câu hỏi lớn đặt ra ở đây sẽ là về việc liệu liên minh này có thể thực hiện được kế hoạch đó hay không.
Trên thực tế, nhóm OPEC+ đã không đạt được mục tiêu tăng sản lượng theo kế hoạch đặt ra tại cuộc họp hồi tháng 7. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng nhiên liệu bổ sung của OPEC+ chỉ đạt tổng cộng 700.000 thùng/ngày, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra trong tháng 9 và tháng 10.
OPEC+ vốn đang phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng hàng tháng do thiếu đầu tư vào các mỏ dầu ở các nước như Angola, Nigeria đã cản trở hoạt động sản xuất. Ả Rập Saudi, Nga và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) có thể vượt quá hạn ngạch của mình để bù đắp cho các nước yếu hơn, nhưng làm như vậy sẽ đòi hỏi những thay đổi đối với thỏa thuận OPEC+ hiện có.
"Dữ liệu được công bố thời gian gần đây chứng tỏ rằng ngày càng có nhiều thành viên OPEC+ cạn kiệt năng lực dự phòng", công ty tư vấn Energy Aspects cho hay.
Công ty Energy Aspects kỳ vọng các thành viên OPEC+ sẽ tăng đều đặn sản lượng khi hạn ngạch tiếp tục tăng.
Trong khi đó, các chuyên gia năng lượng cho rằng, nếu các thành viên  OPEC+ thực hiện đúng kế hoạch tăng nhẹ sản lượng, chắc chắn họ sẽ cắt giảm khả năng sản xuất dự phòng, điều này có thể khiến thị trường rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng.
Ả Rập Saudi hiện đang sản xuất gần 10 triệu thùng/ngày trong nhiều tháng gần đây mặc dù có khả năng khai thác 11 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của Nga như Gazprom nói rằng đang phải nỗ lực để tăng sản lượng nhiên liệu.
Theo kế hoạch, OPEC và các nước liên minh dự kiến gặp gỡ vào ngày 2/12 để dự liệu về việc tăng sản xuất dầu lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022.
Trong diễn biến mới nhất, hãng tin Bloomberg cho biết Tổng thống Joe Biden dự kiến ngày 23/11 thông báo kế hoạch mở Kho Dự trữ Dầu Chiến lược cùng thời điểm với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Động thái này nhằm mục đích hạ nhiệt giá dầu đã tăng mạnh trong năm nay. Mỹ hiện là nhà tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Bloomberg gọi đây là "nỗ lực chưa từng có của các nước tiêu thụ lớn nhằm mục đích hạ giá dầu sau khi các nước OPEC+ không hưởng ứng  lời kêu gọi của Mỹ về việc tăng đáng kể sản lượng khai thác". Thông tin chỉ ra rằng tổng cộng Mỹ có thể sử dụng hơn 35 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược và đó chỉ là ước tính sơ bộ.
Giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm vào đầu tháng 10 vừa qua, đặc biệt giá dầu Brent đã leo dốc hơn 50% từ đầu năm đến nay, điều này có thể cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent tăng 1%, lên mức 79,70 USD/thùng, còn giá dầu cũng leo dốc 1% đạt 76,73 USD/thùng./.