Dành cho con điều tốt đẹp nhất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm học kết thúc cũng sát đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 - Ngày tết của tình yêu...

Kinhtedothi - Một năm học kết thúc cũng sát đến ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 - Ngày tết của tình yêu thương. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em- Văn kiện pháp lý Quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện đến các quyền trẻ em dựa trên nguyên tắc trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

Đất nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1/6/1950) trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất, nhưng Bác Hồ kính yêu vẫn luôn nghĩ tới thiếu nhi cả nước, Bác gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Bác viết: “Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng…”. Cũng từ đó, hàng năm cứ đến ngày 1/6 và Tết Trung thu, thiếu nhi cả nước ta lại hân hoan đón thư chúc mừng của Bác Hồ. Bác luôn hết sức quan tâm dạy bảo các cháu nên người, trong đó 5 Điều Bác dạy thiếu niên nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ngày 1/6 đã được tổ chức hằng năm và trở thành ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ măng non cho Tổ quốc. Nhà nước ta cũng ban hành Pháp lệnh về chăm sóc và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng coi trách nhiệm vẻ vang ấy là của toàn dân. Quốc tế thiếu nhi là một sự kiện, một ngày lễ dành cho thiếu nhi. Đây là dịp thế giới đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ nhi đồng và là ngày đoàn kết thiếu nhi quốc tế.

Vào dịp này, thiếu nhi vẫn háo hức đón đợi những phần thưởng đặc biệt của bố mẹ. Và đồ chơi luôn là món quà được nhiều phụ huynh ở thành phố lựa chọn để dành tặng con em mình. Thế nhưng, vì điều kiện kinh tế, không phải gia đình nào cũng có thể dành cho các con món quà đảm bảo cả về hình thức lẫn chất lượng.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước đang loay hoay tìm cách phát triển dòng hàng đồ chơi có thương hiệu riêng, hạ giá thành so với sản phẩm cùng chất lượng nhập của nước ngoài, với nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, các sản phẩm đồ chơi có thương hiệu riêng chỉ dừng lại khoảng 20 - 30 mẫu sản phẩm thì, nhiều loại đồ chơi trẻ em độc hại, bạo lực, không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai. Những loại đồ chơi này không chỉ đáp ứng được về mẫu mà cả nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng với mức giá từ vài nghìn đồng cho đến hàng triệu đồng.
Dành cho con điều tốt đẹp nhất - Ảnh 1

Ảnh minh họa.
Việc kiểm tra, xử phạt việc bán các mặt hàng đồ chơi trẻ em độc hại, không xuất xứ vẫn diễn ra thường xuyên. Thế nhưng, công tác giáo dục, tuyên truyền về mức độ nguy hại của các loại đồ chơi không đảm bảo an toàn dường như chưa được đẩy mạnh. Bên cạnh việc nhà trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ nhằm giảm thiểu nguy cơ đồ chơi nguy hại tác động xấu đến sức khỏe, nhận thức của trẻ em cũng cần có sự hiểu biết của mỗi phụ huynh. Họ cần hiểu rằng không phải bất kỳ món quà nào mình thích cũng sẽ khiến trẻ thích. Ngoài việc chọn mua quà phù hợp với giới tính, độ tuổi, sở thích của trẻ, cha mẹ cần xem xét kỹ tên nhãn hàng, xuất xứ… để đảm bảo món đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, không phải nhựa độc hại, không chứa hóa chất làm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.

Đối với trẻ nhỏ, những món đồ chơi mà bố mẹ tặng sẽ được coi như những “người bạn thân” cùng bé chơi đùa, chia sẻ hàng ngày. Ngoài ra, đồ chơi còn là phương tiện giúp bé phát triển các kỹ năng và khám phá về thế giới.

Và hơn hết, nếu như mỗi bậc phụ huynh dạy cho con em mình có cách nhìn nhân văn hơn trước những bạn có hoàn cảnh thiệt thòi, trước những trẻ em nghèo ở nơi rừng núi dù không có ô tô, tàu thủy, robot, búp bê, quần áo đẹp… vẫn vô tư hồn nhiên, vui tươi, hài lòng với những trò chơi truyền thống như: nhảy lò cò, kéo co, chi chi chành chành, vật tay… thì có lẽ các em cũng sẽ không bao giờ trách cứ, hờn giận bố mẹ vì không có quà dịp 1/6.