Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 vừa diễn ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh chỉ rõ, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, cấp trên “sợ” cấp dưới trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; tuy thực hiện bổ nhiệm "đúng quy trình" nhưng vẫn không chọn trúng người...
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2017. |
Có một thực tế đã được ông Đinh Thế Huynh nêu tại hội nghị này, đó là: ở một số đơn vị, tất cả cá nhân đều hoàn thành hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng tập thể lại chỉ đạt trung bình. Thực trạng này không hiếm gặp ở các cơ quan, đơn vị thuộc khối Nhà nước và cũng không quá khó để lý giải. Bởi lẽ, tỷ lệ cá nhân hoàn thành hay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị vẫn được phân bổ theo số lượng cán bộ trong đơn vị, do đó, mặc nhiên đến cuối năm vẫn có 70% số cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong khi việc đánh giá tập thể có xuất sắc hay không lại tùy thuộc một bộ tiêu chí cụ thể và khắt khe hơn, nên không dễ đạt được.
Tuy nhiên, có một yếu tố khác bị nhiều đơn vị lãng quên, đó là về nguyên tắc, thành tích của cán bộ lãnh đạo đơn vị phải phụ thuộc vào thành tích chung của tập thể, nên nếu tập thể đạt trung bình thì lãnh đạo lẽ ra không thể đạt tiên tiến, hoặc xuất sắc.
Tình trạng đánh giá cán bộ không đúng thực chất như vậy đã dẫn đến hàng loạt vấn đề khác như tránh né, không trung thực và đáng nói nhất là câu chuyện bổ nhiệm đúng quy trình nhưng sau một thời gian lại lộ ra là cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thoái hóa, biến chất, thậm chí là vi phạm pháp luật như những trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy… mặc dù tất cả cán bộ trước khi bổ nhiệm đều phải qua các kỳ họp lấy ý kiến chặt chẽ, nhiều tầng nấc. Vì khi nhận xét, đánh giá cán bộ để làm quy trình bổ nhiệm, ít người, thậm chí có nơi không ai nhận xét một cách thẳng thắn, trung thực về cán bộ được đưa ra đánh giá.
Do nể nang, do bệnh hình thức, ngại va chạm, sợ động chạm quyền lợi về sau, thậm chí là do thái độ bàng quan của những người tham gia các hội nghị đánh giá cán bộ. Vì thế, dù công tác đánh giá cán bộ qua nhiều tầng, nhiều nấc, nhưng độ đúng đắn, chính xác, khách quan chưa thực sự như mong đợi của người dân và chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác cán bộ.
Để có thể khắc phục được tình trạng này, điều trước hết cần có một bộ quy chuẩn đánh giá cán bộ với những tiêu chí rõ ràng để làm cơ sở đối chiếu khi đánh giá. Bộ tiêu chí này ngoài dựa trên năng lực làm việc thực sự của cán bộ, còn phải dựa vào sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức mà họ tiếp xúc, trên hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức.
Quy trình đánh giá cán bộ nếu có điểm chưa khoa học, chưa hợp lý thì cần đề xuất điều chỉnh phù hợp với sự phát triển. Cần có cơ chế để quần chúng, nhân dân tham gia giám sát hiệu quả làm việc của cán bộ, và lấy hiệu quả làm việc của cả tập thể để đánh giá ngược lại từng cá nhân.
Cũng trong Hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh gợi ý nên chọn công tác đánh giá cán bộ làm khâu đột phá để triển khai trong năm 2017: “Nếu làm tốt công tác đánh giá cán bộ thì sẽ khắc phục được sự bất hợp lý giữa đánh giá cán bộ, xếp loại cá nhân với đánh giá tập thể”.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc chuẩn hóa những quy định về công tác đánh giá cán bộ, thì điều quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên khi tham gia các cuộc đánh giá cán bộ có trách nhiệm trước những đánh giá của mình, không nể nang, đại khái mà nên đánh giá một cách trung thực, trên tinh thần xây dựng để lựa chọn cho bộ máy công quyền những cán bộ, công chức thực sự có tâm và có tầm./.