Trước những hạn chế, bất cập của Thông tư 30, các chuyên gia đã đưa ra quan điểm để việc đổi mới cách đánh giá HS tiểu học hiệu quả.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nghiên cứu lại cách đánh giá học sinh chu đáo hơn Muốn giảm áp lực về điểm số lên HS và động viên sự tiến bộ của các em, GV không cần cho điểm những bài chưa đạt yêu cầu mà chỉ dẫn cho HS làm lại, cho đến khi đạt yêu cầu mới cho điểm; ghi nhận những tiến bộ dù nhỏ của HS bằng điểm cao hơn lần trước; chỉ công nhận trước lớp những điểm khá, giỏi để động viên những HS này và khuyến khích HS khác thi đua với bạn… Hiện, Thông tư 30 đã áp dụng máy móc cách làm của một vài nước nào đó mà không tính đến điều kiện làm việc của GV Việt Nam. Ở các nước phát triển, một lớp học thường chỉ 15 - 20 HS. Năm 1999, tôi có dịp tham gia đoàn khảo sát giáo dục tại Vương quốc Anh. Một lớp tiểu học chỉ có 20 - 25 HS, do 2 cô giáo phụ trách, một cô là GV chính, còn lại một cô trợ giảng, chuyên giúp nhóm HS yếu. Lương của cô giáo chính tính theo tỷ giá lúc đó là 61 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, ở các đô thị của nước ta, mỗi lớp tiểu học thường 50 - 60 HS, các lớp tiểu học vùng cao, vùng sâu có thể ít hơn, nhưng thường là lớp ghép. GV cùng lúc phải dạy nhiều chương trình khác nhau, ví dụ vừa dạy lớp 1 vừa dạy lớp 2, lớp 3… Trong hoàn cảnh như vậy mà yêu cầu các thầy, cô nhận xét từng HS trong mỗi lần đánh giá thường xuyên và ghi sổ toàn bộ những nhận xét ấy thì khó lòng kham nổi, kể cả lặp đi, lặp lại những nhận xét chung chung, áp dụng bất cứ HS nào cũng đúng như: “Em học tốt”, “Em có tiến bộ”… Những điểm mới của Thông tư 30 là: Không cho điểm trong đánh giá thường xuyên; GV thay điểm số bằng nhận xét; Kết hợp đánh giá của GV, HS, cha mẹ HS. Để Thông tư 30 thực sự hiệu quả, cần có sự chuẩn bị chu đáo về chất lượng GV, cơ sở vật chất, giảm sĩ số HS/lớp, quan tâm chế độ, lương của GV… Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu lại vấn đề đánh giá HS tiểu học một cách chu đáo hơn; sớm sửa đổi Quy chế về đánh giá HS tiểu học cho phù hợp. PGS.TS Vũ Trọng Rỹ – Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam: Đừng dựa vào báo cáo của địa phương Cho đến nay, Thông tư 30 đã thực hiện được gần 2 năm. Thực trạng hiện nay thế nào, có những vấn đề gì đặt ra, có cần phải điều chỉnh gì không? Đó là những câu hỏi cần có câu trả lời xác đáng. Để tìm kiếm câu trả lời, chúng tôi đã khảo sát thực tế ở một số tỉnh, TP về thực hiện đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30. Quá trình khảo sát cho thấy, 95,2% GV được hỏi đều khẳng định, thực hiện Thông tư 30 vất vả hơn rất nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, GV gặp khó khăn trong việc nhận xét kết quả học tập của HS vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ; gặp khó khi thực hiện xét khen thưởng HS cuối kỳ và cuối năm học… Với câu hỏi “Sau một thời gian thực hiện đánh giá HS theo Thông tư 30, tinh thần học tập của HS như thế nào?”, có đến 63,7% GV cho biết HS hiện nay lười học hơn trước. Cũng đặt câu hỏi này với các bậc phụ huynh, có đến 59,1% người được hỏi cho biết không tán thành cách đánh giá theo Thông tư 30. Câu hỏi đặt ra: Vì sao GV, phụ huynh phản ứng, không tán thành? Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, khi thực hiện phải có lộ trình, có tính liên thông, có định hướng rõ ràng, phù hợp thực tế. Thông tư 30 thể hiện chủ trương đổi mới, đánh giá HS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phù hợp với xu thế giáo dục thế giới. Tuy nhiên, một số quy định trong Thông tư 30 chưa phù hợp với thực tế Việt Nam nên thiếu tính khả thi, gây quá tải cho GV, chưa phù hợp với năng lực của số đông GV. Bộ GD&ĐT cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc thực hiện Thông tư 30 với mẫu khảo sát đủ lớn để có được đánh giá khách quan. Việc đánh giá thực trạng Thông tư 30 không nên chỉ dựa vào báo cáo của các phòng, sở GD&ĐT. PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT): Không nên làm ồ ạt Việc thực hiện theo Thông tư 30 khiến động lực dạy và học ở các trường hạn chế, không kích thích người dạy, không có sự phân hóa và phát triển. Chúng ta đang sống trong thời đại hướng tới định lượng. Và Thông tư 30 có định tính nhưng thiếu một nửa là định lượng, mà định tính - định lượng phải gắn với nhau. Quy định truyền thống trước đây có định lượng và định tính, những môn cân đo được thì cứ cân đo. Thiếu một nửa thì kỹ thuật ghi chép vẫn thiếu. Cũng có người cho rằng cách đánh giá cũng có định lượng khi một học kỳ có bài kiểm tra, song một bài kiểm tra/học kỳ không có ý nghĩa định lượng. Quan điểm của tôi là phải có định lượng, ví dụ Toán được điểm 10, HS rất thích; điểm 7 - GV gạch chân vào để HS biết chỗ sai. Một bài kiểm tra học kỳ không đủ để định lượng, điểm cao cũng ngoan, điểm kém cũng ngoan. Bộ nên điều chỉnh Thông tư 30 để tránh tình trạng suy giảm, mất động lực học tập. Nền giáo dục phải có HS giỏi, có người tài, không thể đánh đồng chung chung... Phải có định lượng trong đánh giá. Bên cạnh đó, cần hiểu năng lực của GV đã đủ để đánh giá HS theo Thông tư 30 hay chưa. Theo tôi, GV phần đông chưa đủ năng lực đánh giá theo thông tư. Chưa kể họ đang thiếu thốn nhiều thứ, lương thấp, thời gian eo hẹp.... Đặc biệt, đội ngũ quản lý giáo dục nhìn chung chưa đủ năng lực. Trong hoàn cảnh đó, việc đổi mới dù đáng ủng hộ, thì cũng nên triển khai từng bước, chắc chắn. Nơi nào có điều kiện thì làm trước, không nên ồ ạt. |