70 năm giải phóng Thủ đô

Đánh giá lại quỹ đất dự án

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại cuộc gặp gỡ, trao đổi với Hiệp hội bất động sản TP. HCM (Horea) chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp, nên dừng dự án chưa đền bù, giải phóng mặt bằng. Hiện, thị trường bất động sản đang đóng băng và còn nhiều khó khăn, bản thân các doanh nghiệp phải tự gỡ khó cho chính mình.

Tính toán tổng thể cung - cầu

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu tiếp tục triển khai đầu tư theo phong trào như trước đây sẽ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản do nguồn hàng tồn kho lớn hơn so với nhu cầu thực. Một thông tin quan trọng được Bộ trưởng chia sẻ, Bộ Xây dựng đang giao các đơn vị chức năng tập trung tính toán lại tổng thể cung - cầu trên phương diện vĩ mô, thông qua việc đánh giá lại toàn bộ quỹ đất của các dự án đã được duyệt; phân loại cụ thể những dự án đã bồi thường GPMB, đang bồi thường dở dang và chưa bồi thường. Việc rà soát sẽ tập trung vào hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. HCM. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ thống kê số lượng các dự án, mức độ và quy mô đầu tư cân đối với quy hoạch phát triển của từng địa phương, phù hợp với mức độ tăng dân số, tránh tình trạng cung vượt xa cầu.
 
 
Đánh giá lại quỹ đất dự án - Ảnh 1
 
Việc phát triển quá nóng phân khúc căn hộ cao cấp là một trong những nguyên nhân khiến bất động sản tồn kho lớn.
 

Con số 60.000 - 70.000 căn hộ tồn kho được đưa ra trong thời gian gần đây đã khiến người ta phải lo lắng cho thị trường bất động sản. Nhưng theo tính toán của ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Horea, số lượng căn hộ tồn kho có thể lên tới 100.000 căn. Đây chủ yếu là căn hộ có diện tích lớn và phải 10 năm nữa mới tiêu thụ hết. Những con số hàng chục hay cả trăm ngàn căn hộ tồn kho không chỉ cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường mà còn phản ánh sự thiếu hụt trong công tác quản lý. Không có dữ liệu đáng tin cậy, thiếu những đánh giá mang tính khách quan, khoa học, thị trường bất động sản phát triển theo kiểu "bơi tự do" và mang tính phong trào. Vì vậy, khi có sóng gió, thiếu hụt "oxy" là cả thị trường rơi vào trạng thái cuống cuồng, mất kiểm soát.

Tự cứu mình…

Tại cuộc gặp gỡ, các doanh nghiệp BĐS phía Nam đã "gửi gắm" Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhiều kiến nghị cũng như đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Phụng Thiều, Tổng Giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn Gia Định kiến nghị, Chính phủ miễn giảm thuế VAT, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Theo ông Thiều, nếu doanh nghiệp được miễn hai loại thuế này, giá nhà đất sẽ giảm xuống khoảng 30 - 40%. Có ý kiến cho rằng, thay vì Nhà nước “bơm” 20.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thì nên cho người dân vay số tiền này. Nếu mỗi người dân được vay 600 triệu để mua căn hộ một tỷ đồng thì sẽ giúp 35.000 người dân mua được nhà…

Liên quan đến giải pháp cụ thể giải cứu thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cho rằng, hiện nay chính quy định tỷ lệ trong chung cư 1:2:1 (20% là căn hộ nhỏ từ 50 - 70m2, 50% là căn hộ vừa 80 - 90m2 và 25% căn hộ lớn trên 100m2) đang làm khó doanh nghiệp. Ông Lê Hùng, Tổng Giám đốc Công ty HAGL Land, đề xuất tỷ lệ 65% cho căn hộ diện tích nhỏ từ 60 - 80m2, 20% là căn hộ diện tích vừa khoảng 90m2 và 15% cho căn hộ lớn trên 100m2. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT TP. HCM cho rằng, quy định chỉ để tham khảo, còn diện tích căn hộ như thế nào thì nên để chủ đầu tư và thị trường quyết định trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và quy hoạch.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, bất cập sẽ phải sửa, không thể chủ quan dùng ý chí của người quản lý để áp đặt. Bộ cũng đang xin ý kiến Chính phủ cho phép thí điểm làm căn hộ 25m2. Tuy nhiên, số lượng căn hộ loại này trong một dự án sẽ phải hạn chế.

 
Trong khi chờ các chính sách giải cứu từ phía Nhà nước, doanh nghiệp hãy tự cứu mình bằng những chính sách linh hoạt như giảm giá bán, chuyển đổi công năng căn hộ. Hiện, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện chính sách và hầu hết những kiến nghị của doanh nghiệp đang được Bộ đề xuất với Chính phủ. Ông Trịnh Đình DũngBộ trưởng Bộ Xây dựng