Theo UBND huyện Phúc Thọ, các ĐVHC cấp xã trên địa bàn thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 là 3 xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà. Huyện đã triển khai thực hiện sáp nhập với 3 xã liền kề. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện có 1 cặp xã phải để lại do xã thứ 3 có ý kiến không đồng ý về tên gọi xã mới (Vân Hà, Vân Nam). Vì vậy, huyện đã tiến hành sáp nhập 4 ĐVHC cấp xã gồm: Phương Độ sáp nhập với Sen Chiểu để thành lập xã Sen Phương; Cẩm Đình sáp nhập với Xuân Phú để thành lập xã Xuân Đình. Song song với thành lập xã là thành lập Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội tương ứng.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn Phúc Thọ được thực hiện bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của TP. Trong đó, tổng số đầu mối các cơ quan, tổ chức, đơn vị giảm được sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 22 cơ quan, đơn vị (trước sáp nhập có 48 cơ quan, đơn vị); tổng số biên chế giảm được sau khi thực hiện sắp xếp là 34 người.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu trong buổi giám sát tại huyện Phúc Thọ |
Sau khi lắng nghe ý kiến của địa phương về những bài học thành công, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, Đoàn giám sát đánh giá cao việc huyện Phúc Thọ đã tổ chức thành công việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, thực hiện một cách bài bản, khoa học, đặc biệt là tạo đồng thuận trong Nhân dân khi triển khai thực hiện. Trong đó, việc sắp xếp này đã thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn được nâng cao. Sắp xếp ĐVHC giúp giảm đầu mối các cơ quan, đơn vị, nên tạo thuận tiện cho công tác chỉ đạo của huyện đến cơ sở đảm bảo kịp thời, thông suốt.
Đối với quận Hai Bà Trưng, Trưởng Phòng Nội vụ quận Lê Thị Bích Hằng cho hay, UBND quận đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của UBTV Quốc hội; sắp xếp bố trí đội ngũ công chức và tổ dân phố tại các ĐVHC mới thành lập đúng quy định, đảm bảo đoàn kết thống nhất, tạo mọi thuận lợi để các ĐVHC cấp phường mới đi vào hoạt động ổn định. Việc quận thực hiện sắp xếp 4 ĐVHC cũ thành 2 ĐVHC mới lấy tên gọi phường Nguyễn Du và phường Phạm Đình Hổ đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm chi ngân sách; có nhiều điều kiện để lựa chọn đội ngũ CBCC đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng và hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo bền vững trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương…
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung khẳng định, quận đã tổ chức sắp xếp các ĐVHC đáp ứng đầy đủ mục đích yêu cầu cấp trên đề ra, kể cả về thời gian và chất lượng. Toàn hệ thống chính trị từ quận đến tận tổ dân phố đã rất nỗ lực, từ sau sắp xếp (ngày 1/3/2020) đến nay, tình hình của 2 ĐVHC rất ổn định, hệ thống chính trị 2 phường không còn sự xáo trộn và nhất là không có mất đoàn kết nội bộ đội ngũ CBCC, đảng viên, không có đơn thư kể cả nội bộ Nhân dân. Khi thực hiện Nghị quyết này dù có rất nhiều tâm tư trong thời gian đầu, nhất là về tư tưởng của CBCC, đảng viên và Nhân dân, nhưng xác định phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, quận đã thực hiện tốt các chế độ chính sách, nhất là với đội ngũ cán bộ dôi dư thì ngoài chế độ theo quy định, quận còn thực hiện những chế độ đặc thù…
Quận cũng phối hợp tích cực với các sở ngành thực hiện tốt giải quyết TTHC cho người dân, đặc biệt liên quan các giấy tờ về đất đai. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận đề nghị các cấp ngành tháo gỡ một số vướng mắc sau quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC, trong đó sớm có quy định liên quan hợp đồng lao động cho những người là bảo vệ, lao công, vận hành tòa nhà… tại các phường.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung trao đổi với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp phường tại quận |
Phát biểu kết luận các buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Thị Thanh Mai cho biết, mục đích của đợt giám sát chuyên đề là xem xét, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2021. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn ĐB Quốc hội TP sẽ đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và TP Hà Nội trong công tác sắp xếp ĐVHC. Đồng thời, kiến nghị hoàn thiện các văn bản QPPL có liên quan và quy trình, cách thức thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022-2030.
Trong đó, đánh giá cao cách làm, sự cố gắng của huyện Phúc Thọ trong công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã, Trưởng đoàn đề nghị huyện tiếp tục đánh giá những tác động cụ thể sau khi sắp xếp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc khi thực hiện giai đoạn 2022-2030; đưa ra những kiến nghị cụ thể để Đoàn giám sát làm cơ sở pháp lý hoàn thiện báo cáo gửi UBTV Quốc hội.
Tại quận Hai Bà Trưng, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận kết quả trong thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp phường cùng với các công việc chuẩn bị cho thí điểm chính quyền đô thị. Kết quả tại quận đã góp phần khẳng định chủ trương về sắp xếp ĐVHC cấp xã là đúng đắn. Từ đó, Trưởng đoàn đề nghị thời gian tới, quận tiếp tục rà soát, nếu thấy sắp xếp ĐVHC giúp bộ máy tinh gọn hiệu quả hơn thì tiếp tục đối chiếu Nghị quyết 1211 của UBTV Quốc hội về tiêu chí phân loại đô thị để có đề xuất với TP; tiếp tục quan tâm đến tâm tư cán bộ, đảng viên và người dân sau khi sắp xếp ĐVHC để kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, tránh tạo thành điểm nóng. Đồng thời, trước quy hoạch là quy mô dân số phải giảm, trong bối cảnh nhiều chung cư cũ khi được cải tạo có làm tăng dân số trên địa bàn hay không thì quận cũng cần có đánh giá để có giải pháp cụ thể.
Trước những kiến nghị của quận đặc biệt về chế độ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách, cán bộ dôi dư, thành viên Đoàn sẽ tiếp thu, trao đổi với HĐND-UBND TP và báo cáo UBTV Quốc hội, để góp phần giúp cơ sở thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.