Đánh giá thực chất để có bước đi vững chắc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận xét về Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt cho rằng: Dự thảo Báo cáo đã thể hiện được những vấn đề quan trọng của TP trong nhiệm kỳ qua và đề ra được những định hướng cơ bản.

Tuy nhiên, cần sự cụ thể hơn, sát thực hơn và rõ tình hình hơn nữa.
Nên chỉ rõ khuyết điểm, tránh chung chungĐánh giá thực chất để có bước đi vững chắc - Ảnh 1
Trước hết, với cái nhìn của người đã từng giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội những năm đầu đổi mới, ông đánh giá thế nào về Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP đưa ra lấy ý kiến lần này?   

- Qua báo cáo tôi thấy rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP, tinh thần của người dân Thủ đô, trong nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã có bước phát triển vượt bậc. Điều ấy thể hiện rõ ở diện mạo Thủ đô hôm nay, ở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và ở vị thế của Thủ đô đối với cả nước. Và báo cáo đã thể hiện tương đối rõ các mặt, cách thể hiện ngắn gọn.

Tôi quan tâm đến vấn đề Đảng bộ đã quan tâm, lãnh đạo để phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân. Nhiệm kỳ qua đã làm được nhiều việc, giữ được sự phát triển của TP trong nhiều năm với tốc độ tương đối cao so với chỉ tiêu chung của T.Ư (tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011 - 2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước). Trên bình diện xã hội, đời sống Nhân dân tương đối ổn định; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối nhiệm kỳ giảm còn có trên 2%, không còn nhà dột nát. Đó là thành quả của Hà Nội mà báo cáo đã thể hiện được. Tôi cũng đánh giá cao ý thức lãnh đạo chuẩn bị cho sự phát triển thế mạnh của Thủ đô như công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ, thương mại. Đó là những lĩnh vực đóng góp lớn vào GDP của TP, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân.

Cùng với phát triển kinh tế, quy hoạch và xây dựng đô thị là vấn đề rất quan trọng. Kiểm nghiệm kinh nghiệm bản thân trong thời gian làm Bí thư Hà Nội trước đây tôi thấy, Thủ đô mà xây dựng không có quy hoạch, đúng với đường lối phát triển thì không thể trở thành Thủ đô hiện đại được.

Nói thế để thấy rằng, tuy Hà Nội vẫn còn nhiều việc đáng để suy nghĩ, nhưng nhìn vào hệ thống giao thông, những công trình mới hoàn thành, sẽ thấy bước phát triển không thể phủ nhận. Những cây cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Tuy…, giải quyết hệ thống các đường nối với các quốc lộ rất hợp lý, vừa thể hiện tính hiện đại, vừa tạo một hệ thống giao thông thông thoáng. Tất cả những điều đó báo cáo đều đã thể hiện được. Tôi chỉ mong những đánh giá ấy thực chất, đúng, sát để có bước đi vững chắc.

Trong một cuộc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học vào Dự thảo Báo cáo chính trị này, lãnh đạo Thành ủy cho biết, quan điểm của Thành ủy Hà Nội là thấy được thiếu sót, khuyết điểm mới đúng là ưu điểm của tự phê bình. Còn không thấy được khuyết điểm, hay thấy mà không dám nói thì càng có khuyết điểm. Điều này thể hiện tinh thần cầu thị và quyết tâm của Thành ủy. Vậy theo ông, tinh thần ấy đã được thể hiện đủ trong Dự thảo báo cáo?

- Kết quả và những thành tựu của Đảng bộ đạt được trong 5 năm qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, thậm chí có những việc, lĩnh vực, địa phương, đơn vị còn yếu kém và bất cập, chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô, như trong công tác xây dựng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch đô thị, xây dựng, đất đai; vấn đề trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị, phòng chống tham nhũng… Đảng bộ TP cũng đã nhìn nhận những hạn chế và rút ra bài học kinh nghiệm. Tôi hoàn toàn đồng ý với những điều đó. Nhưng tôi thấy rằng, cần làm rõ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, không đánh giá chung chung kiểu “Về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn...”; “Công tác chỉ đạo, quản lý điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt...”. Đúng là khuyết điểm không dễ nói, nhưng không thể tránh né được. Như trong quản lý đô thị để xảy ra các vụ việc vừa qua, không thể nói là đã có quản lý tốt được. Do đó, Đảng bộ TP nên chỉ rõ cụ thể các khuyết điểm, để từ bài học thực tế, rút ra những cách làm, hướng chỉ đạo có chất lượng hơn.

Đi vào những thế mạnh

Để thực hiện phương hướng, mục tiêu giai đoạn năm 2015 - 2020, Đảng bộ TP đã đề cập rõ 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, với quyết tâm mới thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh những nội dung đã xác định, theo ông, cần quan tâm và nhấn mạnh hơn đến những vấn đề gì?

- Những khâu đột phá đã thể hiện rất rõ quyết tâm của Đảng bộ TP trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức để cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện. Tôi nghĩ rằng, thời gian của nhiệm kỳ 5 năm là không dài, nếu quyết tâm và cố gắng lớn sẽ làm được rất nhiều việc. Nhưng làm tốt hay không, tôi nghĩ cuối cùng lại chính là con người. Do đó, tựu chung lại là các đảng viên của Đảng nắm các quyền để thể hiện 3 khâu đột phá ấy, có đủ sức, đủ niềm tin của dân hay không. Nên để thực hiện được các khâu đột phá ấy, trước hết phải làm được việc xây dựng Đảng vững mạnh, tăng tính chiến đấu trong Đảng, tính phản biện xã hội của các mặt trận, đoàn thể và các cấp, mới có sức mạnh. Cán bộ lãnh đạo cũng phải quyết liệt, sâu sát đến từng chi bộ.

Như vậy có thể thấy rằng, xây dựng Đảng là một vấn đề phải đặc biệt được coi trọng và Đảng bộ TP cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện có hiệu quả chiến lược cán bộ của TP trong thời kỳ mới. Ông có nhận xét gì về những giải pháp đã được nêu ra đó?

- Đây là những vấn đề rất quan trọng. Người dân rất mặc cảm nhìn vào nơi này, nơi kia trong cách làm việc không gần dân, không đáp ứng được nguyện vọng của dân, dẫn đến khiếu kiện. Đối với Thủ đô, vấn đề này càng nhạy cảm, làm sao để người lãnh đạo phải rất sát sao với việc, để chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ từ cách quản lý, giao tiếp, thái độ phục vụ. Báo cáo cũng đã nêu ra được những giải pháp khá nhiều, đầy đủ. Và tôi góp ý rằng, xây dựng Đảng cần nhấn mạnh đến chất lượng sinh hoạt Đảng của các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở, đặc biệt là các cơ quan và khu dân cư. Đây là vấn đề còn rất nhiều điều phải suy nghĩ. Hiện nay, tỷ lệ các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh rất cao, nhưng có phản ánh đúng tình hình. Bởi không ít nơi, dù là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhưng hiệu quả công việc không cao và sinh hoạt Đảng vẫn không thoát được chữ “hình thức”. Trong các giải pháp, Đảng bộ TP cũng đã đưa ra giải pháp “Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt và chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức Chi bộ, đặc biệt là chi bộ thôn, tổ dân phố, chi bộ trong các DN ngoài khu vực Nhà nước”. Nhưng theo tôi phải suy nghĩ, bàn bạc kỹ hơn để tạo ra được sự thay đổi thực chất, mới có thể phát huy trí tuệ toàn Đảng bộ.

Một vấn đề nữa là đánh giá về thực hiện Nghị quyết T. Ư 4, nếu chỉ “nhẹ nhàng” như trong báo cáo thì chưa đủ. Phải làm sáng rõ được vai trò của các đồng chí lãnh đạo trong thường vụ, ban chấp hành các cấp ủy; tỏa sáng ra bằng các đảng viên phụ trách các khâu của chính quyền, đoàn thể, mặt trận. Sâu hơn, rõ hơn những việc đã làm được, những điều còn hạn chế. Và tôi nghĩ Đại hội lần này phải thẳng thắn nhìn vào đó, làm rõ được “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất” ở đâu. Nếu chỉ liệt kê mấy vụ án, hay kỷ luật một số người thì chưa toát lên hết được. Tôi cũng mong rằng, ngay sau Đại hội nếu phát hiện vấn đề sai, Hà Nội đừng chậm chễ, đừng do dự mà cần xử lý ngay. Xây dựng chỉnh đốn Đảng là việc cương quyết, tích cực và phải thể hiện thái độ rõ ràng mới được, đúng như tiêu đề của Đại hội thể hiện rõ.

Đảng bộ TP trong báo cáo cũng đã nhấn mạnh đến vị thế đầu tàu của Thủ đô, và mục tiêu tạo sức lan tỏa trong cả vùng Bắc bộ và cả nước. Theo ông, để làm được điều đó, cần chú ý đến những điểm gì?

- Tôi rất chú ý đến phần kinh tế. Trong phương hướng nhiệm vụ kinh tế 5 năm 2015 - 2020, TP cũng đã xác định rõ việc tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào các ngành sản xuất, dịch vụ trình độ, chất lượng cao… Đường hướng ấy hoàn toàn đúng. Hà Nội phải đi vào những thế mạnh dịch vụ, du lịch, thương mại và lưu ý đến những ngành dịch vụ lớn như ngân hàng, viễn thông… Hay trong vấn đề công nghiệp, đi vào những thế mạnh tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Trong nông nghiệp, TP đã làm được nhiều điều, nhưng quan trọng là xây dựng nông thôn phát triển ổn định… Nhưng vị trí của Hà Nội khác với các tỉnh, TP khác, đây là Thủ đô, trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa, khoa học và đối ngoại, đồng thời là một trong những trung tâm lớn, có vị trí quan trọng về vấn đề kinh tế - xã hội của cả nước. Suốt những năm qua, Hà Nội đã giữ vững và làm được điều đó. Hà Nội đã có vị trí đặc biệt quan trọng cùng cả nước hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển như ngày nay. Nên tôi cho rằng, Hà Nội phải có sự phát triển sắc nét và trở thành bài học sâu sắc cho toàn Đảng và các Đảng bộ xung quanh Hà Nội. Trong đó, nên tranh thủ được sự lãnh đạo của T.Ư, các bộ, ngành, những điểm tốt của các Đảng bộ lân cận để tạo ra sự phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!