Đánh giá toàn diện vướng mắc trong đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 7/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đề nghị, đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế...

Gỡ vướng trong đấu thầu

Trình bày Tờ trình Dự Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết,  thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật, bởi quá trình triển khai thi hành Luật đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Tờ trình Dự án Luật. Ảnh; Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Tờ trình Dự án Luật. Ảnh; Quochoi.vn

Một số quy định của Luật Đấu thầu đã phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện như: Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nhất là khi phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách...

Các quy định về hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt còn thiếu cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu có các điều kiện mua sắm đặc thù hoặc mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, xây dựng công trình, dự án có quy mô lớn, cần đẩy nhanh tiến độ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… Quy định về phương pháp đánh giá chưa thực sự tạo cơ chế hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mua sắm được hàng hóa, dịch vụ, công trình có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có việc mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu còn một số mặt hạn chế. Trong đó, hành vi "thông thầu", "gian lận"... vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi; năng lực, kinh nghiệm của một số người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, quy định về các hành vi bị cấm chưa đầy đủ, chưa bao quát được hết các vi phạm xảy ra trong thực tế. Cơ chế giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu chưa bảo đảm tính khách quan, hiệu quả…

Về mục tiêu xây dựng Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Việc xây dựng Dự án Luật cũng hướng tới mục tiêu đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; góp phần ngăn chặn hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu.

Dự Luật gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều. 

Cụ thể, Luật đã có sửa đổi về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu; hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu...

Tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu

Thẩm tra Dự Luật, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào Dự Luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để tăng tính công khai, minh bạch, khả thi, đảm bảo hiệu lực thi hành của luật. Đồng thời làm căn cứ rõ ràng để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tránh tạo ra nhiều tầng nấc pháp luật trung gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, cần đánh giá toàn diện những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn... Đối với quy định về chỉ định thầu, Dự Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu. Dự thảo Luật đã bổ sung, mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, điều này là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.

Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị rà soát các hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng: Nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trong đó, đề nghị quy định rõ về hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, có thể dẫn chiếu tới quy định Bộ Luật hình sự để thống nhất áp dụng trên thực tiễn, làm rõ phạm vi liên quan đến môi giới, hối lộ trong đấu thầu, hành vi thông thầu.

Cần quy định rõ hành vi cản trở trong đấu thầu, vì trên thực tế việc cản trở quá trình đấu thầu thường xảy ra đa dạng, phức tạp, tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, hiệu quả của công tác đấu thầu.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc bổ sung vào Dự Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định về những vấn đề đặc biệt, không bảo đảm công khai, minh bạch…