Đánh giá về những chính sách tác động đến thị trường bất động sản trong năm 2020

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường bất động sản (BĐS) vốn dĩ đang khó khăn lại trở nên khủng hoảng hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đánh giá, các chính sách này sẽ còn có tác động tích cực đến thị trường trong trung và dài hạn.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Nguyễn Trọng Ninh cho biết, mặc dù còn có nhiều khó khăn, lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS cả nước vẫn ghi nhận những điểm tích cực. Một số giải pháp, cơ chế, chính sách được đề ra và ban hành từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng, cụ thể:
Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14). Trong đó, có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 15/8/2020 (những nội dung khác có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021): Quy định về thẩm quyền Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư tại Khoản 13 Điều 1; Quy định về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng tại Khoản 30 Điều 1; Quy định về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt tại Khoản 37 Điều 1;
Nhiều chính sách có tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 3: Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trước ngày 15/8/2020 có yêu cầu cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 40/2019/QH14 thì tiếp tục thực hiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định; Quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 3: Công trình xây dựng có yêu cầu thực hiện thẩm định, thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng kể từ ngày 15/8/2020 đến ngày 31/12/2020, cơ quan chuyên môn về xây dựng khi thực hiện thẩm định có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng tại địa phương rà soát, đánh giá việc đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 40/2019/QH14 để miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại khoản 30 Điều 1 của Luật Xây dựng sửa đổi 2020; trường hợp đã được cấp giấy phép xây dựng thì không phải thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Thông tư số 22/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Những Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 đã tháo gỡ một số vướng mắc trong việc lập quy hoạch và thiết kế nhà ở đô thị, nhà ở chung cư, làm cơ sở để các chủ đầu tư lập quy hoạch, thiết kế dự án nhà ở, dự án nhà chung cư và các cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thiết kế dự án nhà ở, nhà chung cư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và dự thảo Nghị quyết về phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp.
“Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp… để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới” – ông Nguyễn Trọng Ninh cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần