Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công bố danh sách dự kiến đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước và xét tặng danh hiệu ''Công dân Thủ đô ưu tú'' năm 2022

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ TP Hà Nội) ban hành Công văn số 572/BTĐ-HCTH (ngày 22/9/2022) lấy ý kiến Nhân dân về dự kiến đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước và “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022.

Cụ thể, căn cứ Khoản 10, Điều 45 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định việc lấy ý kiến nhân dân trên các phương tiện truyền thông của thành phố đối với các trường hợp đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước; quy trình xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 16/1/2018 của UBND thành phố Hà Nội; để có thêm thông tin trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (cơ quan Thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố) công bố danh sách và tóm tắt thành tích 2 tập thể, 2 cá nhân đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích đóng góp trong công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành, tạo nên thành công chung của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games); 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022.

Mọi ý kiến phản hồi gửi về Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố (số 37 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).

Sau đây là danh sách (xếp theo vần ABC) và tóm tắt thành tích 10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2022 để lấy ý kiến nhân dân:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, sinh năm 1943:

Quá trình công tác, bà đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới (nay là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam); Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội; Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội; Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ Khoa học thành phố Hà Nội. Trên cương vị là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2004-2011) và đại biểu Quốc hội khóa XIII (2011-2016), bà đã phát huy hết khả năng của mình, đóng góp nhiều ý kiến với HĐND thành phố Hà Nội, Quốc hội tại các phiên họp.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2003), bà liên tục tham gia chủ trì và thực hiện nhiều đề tài, dự án về tài nguyên, môi trường đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường nước các hồ ở Hà Nội. Từ năm 2002 đến nay, bà đã tham gia 29 đề tài, dự án, trong đó có 20 đề tài, dự án được triển khai ở Hà Nội. Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, bà đã và đang tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho thành phố về nhiều lĩnh vực (những vấn đề nóng và được xã hội quan tâm như: Tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề tự cháy của các xe cơ giới; vấn đề về ma túy học đường, nhận diện và các biện pháp phòng ngừa...).

Tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, bà được giao theo dõi và chỉ đạo tư vấn, phản biện, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, nhằm đóng góp ý kiến cho việc xây dựng quy hoạch vùng cung cấp rau và thực phẩm sạch cho Thủ đô thông qua việc triển khai các dự án và tổ chức các lớp tập huấn (phối hợp với các trung tâm y tế một số quận, huyện như Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Gia Lâm… tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, các trường mầm non, khu du lịch...), góp phần nâng cao kiến thức cộng đồng, đặc biệt là nông dân ngoại thành trong vấn đề bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với những thành tích trên bà đã được các cấp ghi nhận: Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ; danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố (năm 2016); 3 Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố (năm 2017, 2021, 2022); 3 Bằng khen Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (năm 2016, 2018, 2019); Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Năm 2020, được Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen về thành tích trong hoạt động của Hội đồng tư vấn của UBND thành phố Hà Nội.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (thế danh Vũ Đức Chính), Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, sinh năm 1952:

Bản thân luôn phát huy tinh thần phụng sự dân tộc của đạo Phật, động viên tăng ni, phật tử cùng nhân dân xây dựng Thủ đô, đất nước. Hòa thượng thường xuyên tổ chức các buổi giảng đạo thuyết pháp, kêu gọi tăng, ni, phật tử chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng tôn giáo, đoàn kết các tôn giáo, cùng nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần xây dựng Thủ đô.

Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động các tăng, ni, phật tử của Thủ đô quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin, tặng quà và trang thiết bị y tế cho những khu cách ly, những bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch bệnh… Bản thân trực tiếp cùng tăng, ni tham gia nhiều chương trình an sinh, từ thiện xã hội tại Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước như: Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở một số bệnh viện, trao tặng nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, liệt sĩ, người già neo đơn...

Với những đóng góp trên, Hòa thượng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Năm 2010 được tặng thưởng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa; năm 2011, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; năm 2015, được tặng thưởng Kỷ niệm chương của Ban Dân vận Trung ương; năm 2017, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; năm 2007, 2019, 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; năm 2021, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022, được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bà Đặng Thị Cuối, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, sinh năm 1971:

Là người dám nghĩ, dám làm, bà đã mạnh dạn đầu tư thuê đất và thực hiện dự án rau hữu cơ công nghệ cao tại khu bãi Tổng màu, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Qua thời gian đầu tư công sức, kiên trì và không ngừng học hỏi đến nay Hợp tác xã của bà đã đạt được những thành công như: Trang trại của gia đình bà đã có tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn và áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng hằng năm đạt từ 50 đến 80 tấn rau - củ - quả các loại, doanh thu hằng năm đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận, thu nhập bình quân hằng năm đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Hỗ trợ tạo công việc cho 25 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng và 40 đến 60 lao động thời vụ có nguồn thu nhập từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, hợp tác xã đã chủ động lập thông tin nguồn gốc sản phẩm, sử dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng là một trong số 125 mô hình sản xuất nông nghiệp toàn quốc năm 2017 và lọt tốp 1 trong 30 dự án xuất sắc được chọn vào chung khảo cuộc thi “Ông là nông dân 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Ngoài ra, bà còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương đến tham quan học tập, chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ ở các tỉnh có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ. Bà tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân, nhận và hỗ trợ giúp đỡ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay, một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định phát triển đời sống; tham gia kết nối hỗ trợ nông sản và ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19: tiêu thụ giúp hội viên 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau, củ, quả, ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt.

Ghi nhận những đóng góp trên, bà đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen năm 2017; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen năm 2020. Bà là đại biểu điển hình dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” toàn quốc. Đạt danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020.

Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, sinh năm 1974:

Trong suốt 24 năm công tác liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, ông đã trải qua các nhiều vị trí công tác: Bác sĩ điều trị, Phó Trưởng khoa, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Phụ trách Phòng khám HIV/AIDS; Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Công đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện, Chủ nhiệm Chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội. Từ tháng 3 năm 2021 đến nay, ông được giao nhiệm vụ là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện… Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn cố gắng, chủ động trong công việc, đề xuất các giải pháp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả nổi bật: 

Về công tác phòng, chống dịch: Là người phụ trách, chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm của Hà Nội, ông đã đề xuất, tham mưu kịp thời cho Sở Y tế trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; tham gia tập huấn, chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới triển khai thực hiện tốt công tác điều trị các bệnh truyền nhiễm xảy ra trên địa bàn, góp phần cho việc khống chế thành công các bệnh dịch nguy hiểm như: Dịch tả (2007, 2008), cúm A/H1N1 (2009), dịch sởi (2014), dịch sốt xuất huyết (2017) và đặc biệt dịch bệnh Covid-19…

Ông đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế để thành lập các cơ sở thu dung điều trị người nhiễm Covid-19 và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đã xung phong nhận nhiệm vụ triển khai Cơ sở thu dung đầu tiên tại khu nhà tái định cư Đền Lừ III. Do đây là mô hình thu dung F0 đầu tiên dựa vào sự phối hợp của các ban, ngành… nên quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn. Ông cùng tập thể lãnh đạo đã tập trung, chỉ đạo sát sao cùng với sự quyết tâm của đội ngũ các cán bộ, nhân viên bệnh viện đã vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đến ngày 22-3-2022, khi người bệnh cuối cùng ra viện, sau 231 ngày hoạt động, Cơ sở thu dung Đền Lừ đã tiếp nhận tổng số 6.422 người bệnh, không có trường hợp nào tử vong.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, bản thân ông cũng là người tham gia điều trị trực tiếp cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS, tham gia hội chẩn các ca bệnh khó. Cá nhân ông cũng có đề tài Nghiên cứu khoa học cấp thành phố đã được nghiệm thu và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đã được nghiệm thu về lĩnh vực này. Đây cũng là phần đóng góp không nhỏ của ông làm giảm tốc độ gia tăng nhiễm HIV, tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dưới 0,3% dân số, đạt được mục tiêu thiên niên kỷ về phòng, chống HIV/AIDS.

Ngoài công tác tham gia trực tiếp và chỉ đạo điều hành công tác chuyên môn, bản thân ông còn tham gia giảng dạy bộ môn Quản lý bệnh viện Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, bộ môn Truyền nhiễm của Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Hướng dẫn 3 sinh viên bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp cao học, tiếp tục hướng dẫn 2 học viên học chuyên khoa cấp 2 và cao học… Chủ nhiệm 1 đề tài và tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp thành phố đã được nghiệm thu áp dụng có hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội; có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học như: Tạp chí Y học dự phòng, Tạp chí Y tế công cộng, Tạp chí Y học thực hành, Tạp chí Nghiên cứu y học…; 4 bài báo khoa học được đăng ở nước ngoài…

Với những đóng góp và cống hiến xuất sắc trong thời gian gần 25 năm công tác trong ngành Y tế, ông đã được Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Năm 2006: Được Bộ Y tế tặng Bằng khen: “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác y tế phục vụ Đại hội lần thứ X của Đảng”; năm 2011, được Bộ Y tế tặng Bằng khen; năm 2016, 2019 được UBND thành phố tặng Bằng khen; năm 2020: Được UBND thành phố tặng Bằng khen “Đã có thành tích trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid-19) trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Năm 2020: Được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Năm 2021: Được Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tặng Bằng khen:“Đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021”.

Ông Nguyễn Ngọc Hoài, Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam, sinh năm 1996:

Là công nhân giỏi có trình độ tay nghề cao, với nhiệm vụ chính là vận hành máy và gia công cơ khí chính xác, ông luôn tâm huyết, nhiệt tình trong công việc với tinh thần chịu khó học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề, anh luôn đạt năng suất lao động cao nhất và đạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi của ngành, thành phố. Luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của công ty, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, đặc biệt là những công nhân mới vào nghề. Bằng tình yêu nghề và sự tìm tòi học hỏi trong quá trình lao động, ông đã có nhiều sáng kiến, cải tiến giúp tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng cụ thể như: 

Sáng kiến chế tạo đồ gá "Bàn máy phụ" để gia công linh kiện kích thước lớn và linh kiện biên dạng đặc biệt giúp tiết kiệm thời gian và công sức, tăng hiệu suất sử dụng máy phay để gia công thêm nhiều linh kiện khác giúp giảm chi phí 529 triệu đồng/năm. Sáng kiến chế tạo đồ gá để xung hàng loạt linh kiện khuôn thay vì xung đơn chiếc giúp giảm thời gian và chi phí gia công linh kiện, có thể nhận gia công thêm nhiều linh kiện khác nữa giúp giảm chi phí cho công ty 1,96 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, ông còn tham gia là chuyên viên cơ khí phụ trách hướng dẫn cho nhiều công nhân viên tham gia các cuộc thi tay nghề. Cá nhân ông đã đạt nhiều giải thi tay nghề quốc gia và thành phố: Năm 2018, đạt chứng chỉ nghề Tiện quốc gia bậc 2; năm 2019, đạt giải Nhất nghề Tiện vạn năng cấp thành phố Hà Nội; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; năm 2018, 2019 đạt Giấy khen “Công nhân giỏi” của Ban Chấp hành Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; năm 2020, đạt giải Nhất nghề Tiện vạn năng khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội; Giấy khen của Ban Chấp hành Công đoàn khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; năm 2021, đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô; Chứng chỉ nghề Tiện vạn năng cấp quốc gia.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Marie Curie, sinh năm 1949:

Nguyên là giảng viên dạy môn vật lý cho khối phổ thông chuyên lý Đại học Tổng hợp. Sau khi nghỉ chế độ, ông đã sáng lập Hệ thống giáo dục Marie Curie, gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Ngoài trụ sở chính tại Khu đô thị Mỹ Đình, nhà trường đã phát triển thêm hai cơ sở là Trường Tiểu học Marie Curie II tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông và Trường THCS và THPT Marie Curie Hà Đông, tại phường Văn Phú, quận Hà Đông. Nhà trường đang triển khai xây dựng cơ sở mới tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên với quy mô cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT.

Quá trình lãnh đạo điều hành, ông đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quản lý dạy và học thông qua nhiều hình thức như thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn như chuyên đề “Tiếp cận dạy học trải nghiệm”, “Dạy học theo chủ đề theo định hướng phát triển học sinh”… Tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn của giáo viên, rèn kỹ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Chính vì vậy, chất lượng của học sinh ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT và đại học, cao đẳng đạt 100%, chất lượng mũi nhọn đạt kết quả đột phá. Đã có hàng chục nghìn học sinh tốt nghiệp THCS và THPT từ ngôi trường Marie Curie, góp phần không nhỏ vào phát triển sự nghiệp giáo dục của Thủ đô Hà Nội.

Ông và nhà trường tích cực tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo, như tham gia các chương trình xã hội, từ thiện ủng hộ vùng cao, vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Tiền Giang, Hà Giang… với số tiền hằng trăm triệu đồng/năm. Đặt biệt, trong thời gian dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, ông và nhà trường đã trao 1.050 phần quà cứu trợ (trị giá 525 triệu đồng) cho 1.050 nhân khẩu trên địa bàn phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm.

Ngoài công tác giáo dục - đào tạo, ông còn tham gia là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1992 đến nay (từ khóa V đến khóa IX). Được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” và Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng (Quang Phùng), Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, sinh năm 1932:

Từng làm việc tại Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát tại Việt Nam, sau đó về công tác tại Đại sứ quán Nhật với vai trò là giảng viên về phong tục tập quán, lịch sử Việt Nam cho Đại sứ Nhật Bản. Năm 1970, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Quang Phùng về làm việc tại Bộ Ngoại giao. Đặc biệt, trong vai một NSNA, những bức ảnh của ông không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là những câu chuyện kể về Hà Nội với nhiều góc nhìn, có ý nghĩa trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lan tỏa hình ảnh Thủ đô văn hiến, thanh bình, như các bộ ảnh nổi tiếng: Bộ đội vào tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954, Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sau này là các phóng sự ảnh về nữ tài tử điện ảnh Jane Fonda khi bà thăm Hà Nội vào năm 1972, hay tháng 12-1972, ông cũng là người chụp nhiều bức ảnh quý về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Thủ đô…

Hơn 60 năm qua, NSNA Quang Phùng miệt mài sáng tác, ghi nhiều khoảnh khắc đẹp về đời thường và bình dị của cuộc sống nhân dân Thủ đô. Ông dành nhiều năm để thực hiện nhiều bộ ảnh hồ Gươm, phố cổ Hà Nội ghi lại sự biến đổi của Hà Nội. Năm 2011, ông cho ra mắt cuốn sách ảnh “Dạo quanh hồ Gươm”, in song ngữ Việt - Anh, tập hợp gần 100 bức ảnh chọn lọc trong mấy nghìn file ảnh về hồ Gươm - Hà Nội. Cuốn sách còn là nguồn tư liệu độc đáo khi đăng tải một số bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân mà Quang Phùng chụp từ đầu những năm 1970.

Bên cạnh hàng vạn bức ảnh ghi lại cảnh vật, con người Hà Nội, ông còn có nhiều bức ảnh mang tính phản biện mạnh mẽ, như: Các tác phẩm trong triển lãm về đề tài phòng, chống ma túy năm 2004 đã tạo được hiệu ứng xã hội rất lớn; những bức ảnh dự triển lãm Hoa rơi mặt hồ của ông chụp mặt hồ Hoàn Kiếm.

Bên cạnh các bức ảnh về hồ Hoàn Kiếm, nghệ sĩ Quang Phùng còn nổi tiếng với ảnh về đề tài gánh hàng rong, đó là những bức ảnh đẹp, tình người ở Thủ đô hơn nghìn năm tuổi... Ông còn có nhiều những bộ ảnh lớn như: Hà Nội, 36 phố phường với 5.000 ảnh chọn lọc trong 20 năm; Ma túy tuổi học trò với 1.000 ảnh chọn lọc trong 10 năm; Hàng rong Hà Nội với 5.000 ảnh chọn lọc trong 15 năm; Nghị quyết Đảng đi vào đời sống với 500 ảnh chọn lọc trong 7 năm... Năm 1993, ông nghỉ hưu nhưng vẫn cống hiến miệt mài trong lĩnh vực nhiếp ảnh và dạy học đến hiện nay. Ngoài nhiếp ảnh nghệ thuật - nhiếp ảnh báo chí, ông còn là dịch giả văn học, tác phẩm dịch nổi tiếng nhất: “Con đường sấm sét” - 1960.

Với những thành tích trên ông đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013); Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc (năm 1995); Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 1999); Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam (năm 2002), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội 1991-1995; Giải nhất Liên hoan Ảnh Việt Nam lần thứ XVI năm 1990…

Vận động viên Đinh Phương Thành, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, sinh năm 1995:

Tham gia tập môn thể dục dụng cụ từ năm 2000 (5 tuổi), được cử đi tập huấn dài hạn tại Trung Quốc. Sau nhiều cố gắng nỗ lực, năm 2014 Phương Thành được xét tuyển trở thành vận động viên đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế. Năm 2014, Phương Thành tham gia thi đấu tại đấu trường Asian Games 17 được tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc. Anh đã thành công khi giành về tấm Huy chương đồng (HCĐ) đầu tiên trong sự nghiệp. Một năm sau, Phương Thành tiếp tục để lại dấu ấn lớn khi giành về 4 Huy chương vàng (HCV) tại Sea Games 28 diễn ra ở Singapore. Trong đó có 3 HCV cá nhân thuộc nội dung xà đơn, xà kép và toàn năng cùng 1 HCV nội dung đồng đội. Anh trở thành thành viên chủ lực của đội tuyển với niềm hy vọng đưa thể dục dụng cụ Việt Nam lên tầm mới.

Tại Giải World Challenge Cup ART, anh cũng thành công mang về một HCV. Đến năm 2017, Phương Thành tiếp tục giành 2 HCV tại kỳ Sea Games 29. Trong năm 2020, Phương Thành xuất sắc giành được suất tham dự Olympic Tokyo.

Năm 2022, anh vừa thành công giành được 2 HCV danh giá ở Sea Games 31. Anh là người Việt Nam đầu tiên giành được chức vô địch ở nội dung toàn năng đấu trường khu vực. Sau nỗ lực thi đấu tại SEA Games 31, Đinh Phương Thành đã đạt được 3 HCV và 1 HCĐ. Trong số 3 HCV của Phương Thành có 2 tấm HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội.

Thành tích nổi bật: HCĐ tại ASIAD 2014; 4 HCV tại SEA Games 2015 (nội dung toàn năng đồng đội, toàn năng cá nhân, xà kép, xà đơn), 2 HCV (nội dung vòng treo, đồng đội toàn năng), 1 HCB (nhảy chống) tại SEA Games 2017, HCV môn xà kép tại World Challenge Cup ART diễn ra ở Koper( Slovenia) và nhiều thành tích khác tại các đấu trường trong nước và quốc tế...

Với những đóng góp trên, VĐV Đinh Phương Thành 3 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015, 2019, 2022).

Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, sinh năm 1926:

Là Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Hội viên Hội Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Ông nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VIII, IX, X.

Sau khi nghỉ chế độ, ông luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền. chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, cụ thể: Ông đã tích cực tham gia ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc  lần thứ XIII; Đảng bộ địa phương; có 3 lần góp ý trực tiếp với đồng chí Chủ tịch Quốc hội; cùng Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội có chính kiến với Ban Thường vụ Quốc hội về việc chưa nên thông qua luật về 3 đặc khu vì lòng dân chưa thuận, tránh các thế lực phản động lợi dụng kích động. Tham gia với lãnh đạo thành phố Hà Nội về giải quyết vụ việc Đồng Tâm, Mỹ Đức với các biện pháp giải quyết, không làm tình hình phức tạp thêm. Góp ý với Bộ Quốc phòng và Ban Bí thư về những đối sách nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền biển đảo, ổn định tình hình. Tham gia chính kiến để giải tán các hội hoạt động trái phép trên địa bàn như “Câu lạc bộ Hồ Chí Minh”, “Hội hỗ trợ Người có công” …

Ông cũng tích cực tham gia xây dựng địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; sống mẫu mực, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm, có uy tín cao, lan tỏa trong nhân dân. Tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, đặc biệt là đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, các đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn.

Với những đóng góp trên, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba); Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì Thế hệ trẻ; Huy chương Vì sự nghiệp nhân đạo; Huy chương Vì sự nghiệp phụ nữ; Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn. Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị; từ năm 2016-2021 được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 3 Bằng khen; UBND thành phố tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019; Hội Cựu chiến binh thành phố tặng 3 Bằng khen của Thành hội và nhiều giấy khen của UBND quận và phường. Năm 2020, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tá Phạm Như Trường, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, sinh năm 1979:

Gần 22 năm công tác liên tục tại Đội phòng ngừa đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội. Từ cán bộ chiến sĩ, Đội phó rồi Đội trưởng Đội phòng ngừa đấu tranh chống tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, Trung tá Phạm Như Trường luôn cố gắng nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, cùng Cấp ủy, Ban Chỉ huy Đội 3, Phòng PC04 đã chỉ huy, cùng cán bộ chiến sĩ đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, góp phần giữ địa bàn ổn định, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể từ năm 2017-2021, Trung tá Phạm Như Trường đã tham mưu đưa vào mới 98 điểm, loại 100 điểm ra khỏi diện phức tạp về tệ nạn ma túy. Trực tiếp chỉ đạo cán bộ chiến sĩ  đội 3 trong năm 2017 đến 2021 đã lập mới 102 hồ sơ sưu tra, 81 hồ sơ hiềm nghi, khám phá 28 chuyên án, bắt giữ 130 vụ, 256 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt 7 đối tượng truy nã.

Cá nhân Trung tá Phạm Như Trường đã trực tiếp chỉ đạo khám phá 7 vụ án lớn đạt kết quả cao, bắt giữ nhiều đối tượng với vật chứng thu giữ hàng trăm bánh heroin và ma túy tổng hợp các loại, nhiều phương tiện dùng để trao đổi, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Đơn vị do Trung tá Phạm Như Trường phụ trách liên tục đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng; được Chủ tịch nước tặng thưởng 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, được Bộ Công an, UBND thành phố và Giám đốc Công an thành phố tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Năm 2016, với cương vị Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng PC04, Trung tá Phạm Như Trường đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ trong Đội triệt xóa “Boogke” phức tạp về ma túy tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, bắt giữ 1 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, trong quá trình tổ chức bắt giữ đối tượng, anh đã trực tiếp đột nhập qua tường rào dây thép gai cao 3m nhảy xuống để khống chế bắt giữ đối tượng, quá trình khống chế bắt giữ đối tượng thì bị thương và được Bộ Công an công nhận là Thương binh hạng A.

Trong quá trình công tác, Trung tá Phạm Như Trường đã được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, cụ thể như sau: Liên tục từ năm 2016-2021: Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2015, được Bộ trưởng Bộ Công an tặng 2 Bằng khen; năm 2016, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội; năm 2017, được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; Bằng khen UBND thành phố Hà Nội; năm 2018, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen UBND thành phố Hà Nội; năm 2019, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công an; năm 2020, Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công an; năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.

Danh sách và tóm tắt thành tích 2 tập thể, 2 cá nhân đề nghị xét tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích đóng góp trong công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành, tạo nên thành công chung của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games):

2 tập thể:

- Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội:

Chỉ đạo ban hành, tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 12/11/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Hà Nội, ban hành và triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các Kế hoạch:số 91/KH-UBND ngày 06/4/2021, số 42/KH-UBND ngày 08/02/2022 của UBND Thành phố về việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Hà Nội, số 41/KH-UBND ngày 07/02/2022 về việc tổ chức Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Hà Nội; các Quyết định, văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội.

Chỉ đạo, điều hành chung liên quan công tác tổ chức Đại hội. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức, phục vụ các hoạt động liên quan đến SEA Games 31 tại Hà Nội, góp phần quan trọng tạo nên thành công của Đại hội.

- Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội: 

Là đơn vị thường trực SEA Games 31 Thành phố, phối hợp với cơ quan liên quan chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31; là đầu mối liên hệ với các cơ quan liên quan của Thành phố tiếp nhận thông tin, tổng hợp, đề xuất giải quyết các nhiệm vụ được phân công đảm bảo kịp thời, hiệu quả đáp ứng các nhiệm được giao.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất thực hiện các nhiệm vụ của thành phố Hà Nội đảm bảo tổ chức Lễ khai mạc, Lễ bế mạc SEA Games thành công, ấn tượng, tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng tổ chức thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng SEA Games 31, phối hợp tổ chức các hoạt động nghi lễ, khánh tiết, văn hóa, nghệ thuật phục vụ Đại hội; hướng dẫn các đơn vị trong công tác chuẩn bị hậu cần kỹ thuật, tổ chức các môn thi đấu tại Đại hội.

Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện công tác thanh quyết toán kinh phí SEA Games 31. Phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp kế hoạch chung của toàn Thành phố, tham mưu chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phục vụ đúng thời gian, tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.

2 cá nhân:

- Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Là Phó Trưởng ban Chỉ đạo tổ chức SEA Games 31; Trưởng ban Tổ chức SEA Games 31 thành phố Hà Nội; Chỉ đạo xây dựng Đề án, Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đề án, kế hoạch tổ chức SEA Games 31; đôn đốc, kiểm tra thực hiện; chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện và thị xã trong công tác tổ chức SEA Games 31.

Là Trưởng biểu ban Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31: Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31, đốn đốc các lực lượng triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, thành công, ấn tượng tại Lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31; qua đó đã tạo được ấn tượng với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hoá, tiềm năng và những thành tựu kinh tế của Thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị; được đông đảo quần chúng Nhân dân Thủ đô và cả nước ủng hộ và đón nhận.

- Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Tham mưu, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ các thành viên; điều hành, phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội; đôn đốc và chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ của Trung ương và Thành phố; Đầu mối giúp UBND Thành phố trong chỉ đạo, điều hành chung liên quan công tác tổ chức Đại hội.

Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức quốc gia, Thường trực Thành ủy và các đơn vị liên quan.

Chỉ đạo bố trí công tác lễ tân, hậu cần phục vụ lãnh đạo Thành phố tham dự các hoạt động chính thức và bên lề trong chương trình Đại hội.

Phối hợp với các đơn vị tổng hợp các nội dung cuộc họp, buổi làm việc của UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức quốc gia.

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông chuẩn bị nội dung thông cáo báo chí trước, trong và sau Đại hội

Giúp UBND Thành phố, Lãnh đạo UBND Thành phố thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 12/11/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Hà Nội, ban hành và triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các Kế hoạch:số 91/KH-UBND ngày 06/4/2021, số 42/KH-UBND ngày 08/02/2022 của UBND Thành phố về việc tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Hà Nội, số 41/KH-UBND ngày 07/02/2022 về việc tổ chức Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 tại Hà Nội; các Quyết định, văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội.