“Đánh thức” đường trên cao, kế hoạch lớn cho hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều dự án đường trên cao ở TP Hồ Chí Minh đang được khởi động trở lại là tín hiệu khả quan cho mạng lưới giao thông. Trong số 35 dự án vừa kêu gọi đầu tư, có 3 dự án đường trên cao.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND TP về việc xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông.

 Đường trên cao hứa hẹn giúp giao thông TP Hồ Chí Minh thông suốt. Ảnh: Tiểu Thúy
Theo đó, có 35 dự án được TP kêu gọi đầu tư, trong đó, đáng chú ý có 3 dự án đường trên cao.
Cụ thể, đường trên cao số 1 dài 9,5km, từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long (nối dài) - giao với đường Điện Biên Phủ và đường Ngô Tất Tố. Đường có 4 làn xe, tổng mức đầu tư ước tính 17.500 tỷ đồng. Dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT với thời gian thực hiện từ 2021-2025.
Đường trên cao số 5 đi qua TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn tăng khả năng kết nối hệ thống đường trên cao TP và tăng kết nối giao thông theo hướng Đông Tây. Đường dài 21,5km đi trùng với đường vành đai 2 (quốc lộ 1) từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương. Đường có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.405 tỷ đồng, kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT từ nay đến năm 2025.
Đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh qua các quận: Tân Bình, 11, 10, 5, 7 nhằm tăng khả năng kết nối hệ thống đường trên cao TP và kết nối giao thông theo hướng Đông Tây. Tổng chiều dài tuyến 14,1km đi dọc theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - hẻm 656 (Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Đường có quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư 30.000 tỷ đồng, đầu tư theo BOT, thời gian từ 2021 - 2030. 
Sở GTVT nhận đinh, các tuyến đường trên cao, đường vành đai, đường xuyên tâm là yêu cầu hạ tầng cơ bản, quan trọng nhất để giải quyết giao thông TP thông suốt. Các tuyến đường cao tốc nội đô được hình thành sẽ tạo thành mạng lưới kết nối các khu vực trung tâm TP và các đầu mối giao thông như cảng hàng không, cảng biển, cửa ngõ, các tuyến đường cao tốc. Tách được lượng giao thông liên tỉnh, liên vùng ra khỏi mạng lưới giao thông nội đô sẽ không chỉ giải quyết được ùn tắc hiện hữu mà còn giúp các phương tiện có nhu cầu đi xa di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn, tiết giảm nhiều chi phí xã hội.
Từ nay đến năm 2025, Sở GTVT TP sẽ còn xây dựng danh mục và đề xuất kêu gọi đầu tư cho 9 nhóm dự án, với tổng số vốn 675.000 tỷ đồng. Năm năm tới, TP cần tập trung thực hiện dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Vành đai 3.
Kế đến là các tuyến quốc lộ, đường kết nối khu vực lân cận gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An), đường mở mới phía Tây Bắc, đường trục động lực (song song Quốc lộ 50), đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Lớn, đường Võ Văn Kiệt nối dài... cùng các đường trên cao số 1 (nút giao Lăng Cha Cả - đường Ngô Tất Tố), số 5 (nút giao Trạm 2 - An Sương); tuyến trên cao Bắc - Nam từ đoạn đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh cũng được đề xuất đầu tư. Sở GTVT cũng đề xuất UBND TP cần ưu tiên xây dựng 4 dự án xây cầu lớn gồm cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Qưới - Rạch Chiếc.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021 - 2030, TP còn cần tập trung đầu tư các tuyến metro số 2, số 3a, 3b, số 4, số 4b, số 5, số 6, tuyến xe điện mặt đất số 1, tàu điện một ray số 2, số 3; các dự án xây dựng cảng đường thủy, công trình bến bãi giao thông và dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm, thuộc nhóm công trình chương trình đô thị thông minh tại TP.
Theo tính toán của Sở GTVT TP, trong tổng nhu cầu vốn để đầu tư các nhóm dự án trên cần hơn 70.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, còn lại hơn 605.000 tỷ đồng sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng các hình thức xã hội hóa, vốn ODA.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần