Friday, 20:43 02/09/2016
Đánh thức lợi thế của trung tâm thương mại bán lẻ
Kinhtedothi - Sau 30 năm đổi mới, những tên gọi Trung tâm thương mại Big C, Metro, Lotte, Savico Megamall, AEON, Vincom… đã ghi dấu sự chuyển mình của hệ thống bán lẻ Thủ đô trong quá trình mở cửa hội nhập của nền kinh tế.
Thương mại bán lẻ đã có sức sống mới, bộ mặt mới bên cạnh những khu chợ truyền thống cũng đã có nhiều thay đổi. Những trở ngại Sự ra đời đầu tiên của Siêu thị quốc doanh số 7 Đinh Tiên Hoàng (tháng 11/1995) có thể coi là một sự kiện đáng ghi nhớ trong hệ thống bán lẻ Thủ đô, mô hình đầu tiên của chợ hiện đại đã ra đời. Sau 2 - 3 năm tiếp theo, học tập những kinh nghiệm của siêu thị này, các siêu thị Intimex, Thái Hà, Fivimart, Giảng Võ, Thanh Xuân,... lần lượt ra đời và phát triển thành các chuỗi phân phối hiện đại trên địa bàn Thủ đô. Sau này là sự tham gia của các siêu thị nước ngoài như Metro, Big C, và sau này là Lotte, Aeon,… Người tiêu dùng Thủ đô có nhiều quyền lựa chọn hơn, những “thượng đế” của thời kỳ ngày nay được chiều chuộng hơn, ưu ái hơn so với những thời kỳ bao cấp trước đây.
Tuy nhiên, nghiêm túc đánh giá, sự phát triển các hệ thống mạng lưới bán lẻ trên địa bàn TP của cả chợ truyền thống và chợ hiện đại, các cửa hàng chuyên kinh doanh bán lẻ, còn có một số nhược điểm. Rõ nhất là: Mạng lưới thương mại và hệ thống phân phối nói chung ở Thủ đô còn mỏng, phân bố không đều, mang tính tự phát, quy hoạch bố trí còn chồng tréo, kém hiệu quả, nguồn hàng không chủ động, còn ỉ lại vào những hỗ trợ làm méo mó thị trường như Chương trình “bình ổn giá” đã thực hiện được nhiều năm nay. Vì vậy, thị trường Hà Nội dễ bị tổn thương trước những biến động của cung cầu hàng hóa. Thiếu những DN đầu tàu để xây dựng một hệ thống phân phối nòng cốt đủ mạnh, có năng lực tài chính, mạng lưới kinh doanh, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và có tác dụng thực sự trong việc dẫn dắt thị trường hàng hóa ở Thủ đô. Tổng Công ty Thương mại Nhà nước mặc dù nắm rất nhiều màng lưới đắc địa nhưng 30% là cho thuê liên doanh liên kết, chưa đủ sức cạnh tranh với các DN ngoài nước đầu tư vào Hà Nội. Năng lực quản lý Nhà nước về các mặt quy hoạch, phát triển, đầu tư cơ chế chính sách cho hệ thống bán lẻ nội địa, cho DN Việt, hàng Việt còn nhiều bất cập. Sự liên kết giữa sản xuất và phân phối, giữa nhà cung ứng và hệ thống bán lẻ còn rời rạc, hàng hóa bán lẻ đến tay người tiêu dùng phổ biến đang ở mức giá cao vô lý do đã qua nhiều khâu trung gian, chi phí bất hợp lý… Những điều đó làm cho người sản xuất ra hàng hóa, phục vụ Nhân dân Thủ đô bị thiệt thòi, ép giá, ép cấp,... Nhà trung gian, bán buôn bán lẻ hưởng lợi nhuận khá cao một cách vô lý, người tiêu dùng cuối cùng lại bị chịu thiệt thòi. Con đường đi lên của hệ thống bán lẻ Thủ đô thực sự còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Cơ hội bứt phá Trong xu thế Việt Nam và Thủ đô Hà Nội ngày càng hội nhập sâu, rộng, tiềm năng lợi thế phát triển thương mại bán lẻ của Thủ đô còn rất lớn. Quan trọng là TP cần có những cơ chế chính sách đúng để hỗ trợ cho thương mại bán lẻ phát triển, phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần XVI thì đến năm 2020, GDP bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 6.700 – 6.800 đô la, với số dân dự báo hơn 9 triệu người, 55% là dân số trẻ, mức độ tiêu dùng hàng hóa rất cao… Đó là những lợi thế của Hà Nội. Một thị trường có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực bán lẻ để có thêm các thương vụ đầu tư, mua bán, sáp nhập vào lĩnh vực bán lẻ. Thách thức này đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải vươn lên mạnh mẽ, tự giác xây dựng thương hiệu bán lẻ của mình; Tạo lập các chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả cho nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Tính đến cuối năm 2015, toàn TP Hà Nội có 425 chợ, và 133 siêu thị, 27 trung tâm thương mại. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, sẽ có 600 chợ, 1.000 siêu thị, 50 trung tâm thương mại các loại. Chợ truyền thống và chợ hiện đại vẫn còn song song phát triển một cách lâu dài, cho dù đến năm 2020, tỷ trọng của bán lẻ hiện đại tăng từ 15% hiện nay lên 20 - 25%, kênh truyền thống sẽ ngày càng giảm bớt về tỷ trọng tham gia thị trường. Tuy nhiên, các chợ truyền thống nếu khắc phục được những tồn tại đã nêu thì sẽ vẫn là nơi mà bà con tiêu dùng Thủ đô tin tưởng. Với những cơ chế, chính sách đúng đắn trong việc phát triển hài hòa giữa chợ xưa và chợ hiện đại ngày nay, hệ thống phân phối của Thủ đô sẽ tiếp tục ghi nhận những sự chuyển mình làm tròn nhiệm vụ là “người nội trợ” trong quá trình hội nhập, cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
![]() Mua sắm hàng hóa tại siêu thị Hapro. Ảnh: Việt Linh |