Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

“Đánh thức” tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội

Kinhtedothi - Không gian phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô mà còn chứa đựng những tiềm năng về du lịch. Làm sao để khai thác du lịch xứng tầm, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) còn đòi hỏi chính quyền địa phương chung tay nâng cấp chất lượng dịch vụ, kết nối điểm đến.

Dồi dào tài nguyên văn hóa - lịch sử - kiến trúc

Thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho thấy, hiện trên địa bàn có gần 200 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, riêng trong khu vực phố cổ có tới 121 di tích. Trong đó, có một số di tích tiêu biểu như: đền Bạch Mã, ngôi nhà di sản 87 phố Mã Mây, đình Kim Ngân, đền Quán Ðế, các nhà thờ Tổ nghề... Nơi đây còn nổi tiếng với các phố nghề truyền thống như phố Hàng Bạc với nghề chế tác, buôn bán kim hoàn; phố Hàng Mã với nghề hàng mã; phố Lãn Ông với nghề chế biến thuốc đông nam dược. Đặc biệt, khu vực phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Cầu Gỗ, Tống Duy Tâm... là nơi quy tụ nhiều nhà hàng ẩm thực của người Hà Nội. Với những tiềm năng thế mạnh từ hệ thống di sản văn hóa khu phố cổ Hà Nội được ví là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam.

Nhằm tăng sức hút cho du lịch, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật buổi tối tại khu vực phố cổ Hà Nội như: Không gian nghệ thuật tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 phố Hàng Buồm; Chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” tại Trung tâm Giao lưu phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ)… Để phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách, quận Hoàn Kiếm cũng đã cho phục hồi nhiều lễ hội truyền thống, tổ chức giới thiệu các nghề thủ công của các làng nghề phố cổ và Hà Nội.

Trình diễn văn hóa truyền thống tại Trung tâm Giao lưu phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ). Ảnh: Hoài Nam

Trưởng phòng Văn hóa khóa học và thông tin (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, sản phẩm du lịch phố cổ Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài những tour tham quan truyền thống, quận Hoàn Kiếm đã phát triển nhiều sản phẩm tour mới, trong đó nổi bật là hoạt động phố đi bộ ở phố cổ vào cuối tuần; các điểm biểu diễn văn hóa vào buổi tối; phố ẩm thực… “Hiện phố cổ Hoàn Kiếm là điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Thủ đô của du khách khi tham gia hành trình du lịch khu vực phía Bắc. Trung bình mỗi ngày cuối tuần tại không gian phố đi bộ khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm đón khoảng 20.000 lượt khách đến vui chơi giải trí. Riêng năm 2024, số khách du lịch quốc tế lưu trú qua đêm tại quận Hoàn kiếm đạt 2,2 triệu lượt, doanh thu du lịch tăng 48,5%”- bà Nguyễn Thị Thu Hiền nêu ví dụ.

Kết nối nâng cấp chất lượng dịch vụ tạo sức hút cho phố cổ

Mặc dù khu vực phố cổ (Hoàn Kiếm) sở hữu thế mạnh về văn hóa, lịch sử... nhưng các chuyên gia du lịch cho rằng những thế mạnh này vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng. Tại Hội nghị Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch quận Hoàn Kiếm với các đơn vị lữ hành trên địa bàn TP Hà Nội (ngày 8/5), các DN du lịch có chung phản ánh, hiện việc khai thác tour, tuyến thăm quan phổ cổ chủ yếu là do các công ty lữ hành tự tổ chức, nên sản phẩm còn đơn điệu, chưa giới thiệu được những nét văn hóa tinh hoa của phố cổ Hà Nội đến với du khách quốc tế.

Giám đốc công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho biết, trong quá trình tham quan phố cổ Hà Nội, du khách đều có nhu cầu khám phá ẩm thực, mua sắm các sản vật, hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trong khu phố cổ chưa có một trung tâm thương mại, khu mua sắm nào đảm bảo uy tín phục vụ được nhu cầu này. Thực tế cho thấy, các điểm mua sắm tại phố cổ mới chỉ dừng ở các cơ sở kinh doanh tự phát nên rất khó quản lý về mặt giá cả, chất lượng và có thể dẫn đến việc trà trộn hàng giả, nhái, không đảm bảo chất lượng. 

Các chuyên gia, DN, nhà quản lý trao đổi các thức "đánh thức" du lịch phố cổ Hà Nội tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

“DN du lịch mong muốn có một tour, tuyến trọng điểm, được cơ quan Nhà nước khảo sát, chọn lọc, chuẩn hóa, kiểm định, đưa vào thử nghiệm, rồi khai thác để tạo độ tin cậy cao đối với du khách, đồng thời quảng bá được những nét tinh hoa của văn hóa phố cổ Hà Nội”- ông Vũ Văn Tuyên mong muốn. Cũng có cùng quan điểm này, Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, thương mại cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ đó đưa ra danh sách địa chỉ địa điểm bán hàng đảm bảo chất lượng thì các hướng dẫn viên, công ty lữ hành mới có thể yên tâm dẫn khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) Nhữ Thị Ngần phản ánh, hiện việc kết nối thành tour, tuyến du lịch ở khu vực phố cổ Hà Nội chưa thực sự được triển khai một cách chuyên nghiệp. Nguyên nhân là thiếu các cơ sở dịch vụ đăng ký hệ thống đạt tiêu chuẩn phục vụ để giới thiệu với du khách. “Thời gian tới ngành du lịch Thủ đô và quận Hoàn Kiếm cần tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch theo chuyên đề. Qua đó, DN du lịch xây dựng tour đặc trưng phố cổ vào những thời điểm nhất định trong năm” - bà Ngần kiến nghị.

Khách du lịch tham quan nhà cổ 87 Mã Mây (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch phố cổ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần phải có chiến lược truyền thông quảng bá những lợi thế, sản phẩm du lịch, có kế hoạch kết nối các tuyến, điểm du lịch cho du khách. “Cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn giữa đơn vị tổ chức và các đơn vị lữ hành, nhất là đơn vị chuyên khách quốc tế (Inbound), đồng thời quận Hoàn Kiếm cần phải có chiến lược truyền thông quảng bá những lợi thế, sản phẩm du lịch. Qua đó, tạo điều kiện cho DN có kế hoạch kết nối các tuyến, điểm du lịch cho du khách”- ông Nguyễn Anh Tuấn gợi ý.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu mong muốn, thời gian tới quận Hoàn Kiếm cần tiếp tục quan tâm có kế hoạch tổ chức và duy trì thường xuyên, định kỳ có chọn lọc các hoạt động văn hóa, du lịch phù hợp, làm cho di sản phố cổ tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách.

Trước những ý kiến của DN, chuyên gia Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, hiện UBND quận Hoàn Kiếm đã có các kế hoạch, đề án bảo tồn phát huy giá trị phố cổ. Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch qua đó bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của khu phố cổ, đồng thời tăng sức hút du lịch phố cổ tới du khách.

“Mùa vàng” du lịch hè bắt đầu “nóng”

“Mùa vàng” du lịch hè bắt đầu “nóng”

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: khai thác thế mạnh của địa phương phát triển nông nghiệp

Điện Biên: khai thác thế mạnh của địa phương phát triển nông nghiệp

08 May, 07:15 PM

Kinhtedothi - Nậm Pồ được đánh giá là một trong những huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp của tỉnh Điện Biên với địa hình đồi núi, nhiều thung lũng, sông, suối, nguồn nước dồi dào… Toàn huyện có hơn 49.900ha đất trống, trong đó diện tích vùng nguyên liệu dự kiến là hơn 26.900ha.

Chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ

Chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ

08 May, 05:00 PM

Kinhtedothi – Việt Nam cần hướng đến các mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng đến DN xuất khẩu; ổn định thị trường và chuỗi cung ứng nội địa; duy trì niềm tin của nhà đầu tư và đối tác quốc tế; chuyển hóa khủng hoảng thành động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kỳ vọng gỡ được “thẻ vàng” IUU cho thuỷ sản trong năm 2025

Kỳ vọng gỡ được “thẻ vàng” IUU cho thuỷ sản trong năm 2025

08 May, 04:01 PM

Kinhtedothi – Số hóa hồ sơ, quản lý nguồn gốc khai thác, kiểm soát tàu cá để thực thi chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là yêu cầu bắt buộc để thuỷ sản Việt Nam được Uỷ ban châu Âu (EC) gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ