Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ: làm sao đơn giản, tiết kiệm chi phí?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, việc bãi bỏ chính sách miễn thuế cho hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng là cấp thiết, nhằm tạo công bằng với sản xuất trong nước, đồng thời tránh thất thu thuế.

Tuy nhiên, việc đánh thuế phải bảo đảm nguyên tắc đơn giản, ít chi phí và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Hàng hóa nhỏ, thất thu thuế lớn

Thời gian qua, hàng loạt những “ông lớn” trong ngành TMĐT Trung Quốc như Shein, Taobao… đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Với ưu điểm nhập tận gốc, bán tận ngọn, các sàn TMĐT này đang bán hàng hóa với giá siêu rẻ, đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng Việt. Đặc biệt, đầu tháng 10, Temu – phiên bản quốc tế của Pinduoduo, nền tảng TMĐT lớn thứ 2 Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam. Sự xuất hiện của Temu càng gióng lên hồi chuông cảnh báo, trở thành mối lo ngại với các DN sản xuất trong nước về mức độ cạnh tranh về giá hàng hóa.

Người dân nhận hàng của sàn thương mại điện tử Sendo.vn. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân nhận hàng của sàn thương mại điện tử Sendo.vn. Ảnh: Phạm Hùng

Nhưng điều đáng nói, những sản phẩm trên các sàn TMĐT xuyên biên giới lại đang được hưởng đặc quyền về thuế nhập khẩu. Cụ thể, theo Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

Nếu như trước đây lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều, nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của TMĐT xuyên biên giới, xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy lượng giao dịch này đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu từ 4 - 5 triệu đơn hàng TMĐT giá trị nhỏ, với tổng giá trị 800 tỷ đồng. Như vậy, tuy là giá trị hàng nhỏ, nhưng thất thu thuế rất lớn. Mỗi năm sẽ có khoảng 328.500 tỷ đồng giá trị hàng hóa giao dịch được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng nhập khẩu. Điều này không chỉ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, mà còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm bãi bỏ quy định miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, để tránh thất thu ngân sách, đồng thời tạo công bằng với DN sản xuất trong nước. Dựa trên quá trình nghiên cứu và tìm hiểu về các hoạt liên quan đến hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, TMĐT và xu hướng một số quốc gia bắt đầu thực hiện việc thu thuế GTGT đối với hàng hóa có trị giá thấp, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg tại dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, việc miễn thuế là lý do khiến hàng nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập tại thị trường Việt Nam. Người bán có thể lợi dụng chính sách này xé nhỏ giá trị đơn hàng xuống dưới 1 triệu đồng để tránh thuế, tiềm ẩn thất thu thuế. “Cần phải sớm bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống, nhằm bảo đảm công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng thất thu thuế” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Đề xuất bãi bỏ chính sách miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ cũng nhận được nhiều quan tâm tại nghị trường Quốc hội những ngày qua. Ngày 29/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An) phân tích, trước hết, với sự phát triển của TMĐT, hàng hóa có giá trị nhập khẩu có giá trị nhỏ có khối lượng ngày càng lớn vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Đối với từng đơn hàng thì giá trị có thể nhỏ, nhưng tổng lượng hàng hóa nhập khẩu theo hình thức này đã, đang và sẽ tiếp tục chiếm một khối lượng khá lớn. Nếu miễn thuế sẽ dẫn đến việc thất thu một lượng lớn thuế cho ngân sách. Vì vậy, cần sớm bãi bỏ quy định này.

Giải trình cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc miễn thuế VAT với hàng giá trị nhỏ được Chính phủ thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo. Phó Thủ tướng Chính phủ thừa nhận, hiện nhiều nước đã bỏ cam kết này, chẳng hạn như Thái Lan đã thu thuế 7% với hàng giá trị nhỏ. “Chính phủ sẽ bỏ Quyết định 78/2010 và đưa vào dự thảo Luật Thuế VAT. Hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ đều phải nộp thuế” - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc thông tin.

Bảo đảm thuận tiện, phù hợp với cam kết quốc tế

Trong bối cảnh TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh như hiện nay, việc sớm bãi bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ là cần thiết. Tuy nhiên, việc thu thuế như nào nhằm tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh, trách thất thu ngân sách Nhà nước, nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm sự thuận tiện cho người nộp thuế và tiết giảm chi phí xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế là vấn đề cần bàn tính.

Tại báo cáo giải trình, chỉnh lý, tiếp thu dự án Luật Thuế GTGT sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ nhiều ý kiến đề nghị thu thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình miễn thuế VAT đối với hàng hóa giá trị nhỏ song cần phân biệt các trường hợp, cụ thể đối với trường hợp kinh doanh thì phải thu thuế, đối với trường hợp hành lý mang theo của người xuất, nhập cảnh thì miễn thuế.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, việc bãi bỏ quy định này cần phải cân nhắc cẩn trọng sao cho phù hợp với các cam kết quốc tế cụ thể tại Khoản 4.13 Nghị định thư về đơn giản thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc trong xây dựng pháp luật thuế là thu thuế phải tương xứng với chi phí thực hành thu và chi phí xã hội, đồng thời cần áp dụng nguyên tắc “trọng yếu” đối với các giao dịch nhỏ, lẻ, phát sinh không thường xuyên để tạo thuận lợi cho người nộp thuế và giảm chi phí xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Được, chính sách này có thể vẫn được áp dụng nhưng với giá trị nhỏ hơn và thu hẹp đối tượng được ưu đãi chính sách này. Chính phủ cần cân nhắc lại mức giá trị hàng hóa được miễn và các đối tượng, trường hợp được miễn cần được rà soát và điều chỉnh.

Cụ thể, có thể giảm giá trị của đơn hàng được miễn thuế thay vì quy định 1 triệu đồng như hiện nay. “Phương án này có thể dẫn đến tăng các thủ tục hành chính và tăng chi phí xã hội với khối lượng đơn hàng khá lớn nhưng giá trị nhỏ. Vì vậy, cần phải có các cơ chế quản lý hải quan bảo đảm đơn giản, thuận lợi cho cả người nộp thuế và cơ quan hải quan” – ông Được lưu ý.

Chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia đã thực hiện thu thuế GTGT đối với hàng hóa có giá trị nhỏ. Các nước trong khu vực như Indonesia Indonesia sẽ sớm áp dụng mức thuế nhập khẩu từ 100 – 200% đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Còn Malaysia đã áp dụng thuế hàng hóa giá trị thấp (LVG) ở mức 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 107 USD trở xuống trên các trang TMĐT kể từ ngày 1/1/2024. Thuế LVG nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các DN địa phương phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Bên cạnh việc siết thuế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu lý, cơ quan quản lý cần xây dựng thêm các quy định về nhập khẩu như kiểm định chất lượng, quy chuẩn… trong bối cảnh đơn hàng xuyên biên giới giá trị nhỏ không bảo đảm chất lượng, hàng nhái, giả… đang xâm chiếm thị trường Việt Nam, vừa gây hại vừa phát sinh rủi ro cho người mua lẫn những người sản xuất, kinh doanh chân chính. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra tiêu chuẩn và trách nhiệm cho sàn TMĐT nếu đưa hàng xuyên biên giới không đạt chất lượng theo quy định vào Việt Nam.

 

Chính phủ cần nghiên cứu và điều chỉnh thu hẹp đối tượng miễn thuế và xây dựng ngưỡng tổng giao dịch của các đơn hàng được miễn thuế, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng, trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế, đồng thời tạo sự thuận tiện cho người nộp thuế, cũng như không làm gia tăng áp lực cho công tác quản lý hải quan và thu nộp thuế.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được