70 năm giải phóng Thủ đô

Danh tướng Đồng Sỹ Nguyên và Trường Sơn huyền thoại

Nguyễn Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên thế giới, tự cổ chí kim, có lẽ không có một chiến trường nào kỳ lạ như Trường Sơn của Việt Nam. Trường Sơn, từ năm 1959 đến năm 1975, là một mặt trận với nghệ thuật quân sự, công trình kỹ thuật quân sự vĩ đại.

Ở núi rừng Trường Sơn huyền thoại đó, danh tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn, vóc dáng uy nghi, bộ óc mang tầm chiến lược, nổi bật hơn tất cả.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm công trường Cầu Dài ngày 1/1/1973.
Nhân dịp kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2019) và 60 năm Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), chúng tôi đã đến nhà gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để thắp hương tưởng nhớ ông và trò chuyện về ông. Trường Sơn đã vắng bóng những đoàn hành quân, những cánh võng, bóng thanh niên xung phong, những y - bác sĩ áo trắng, nghệ sĩ, nhà báo, xe pháo… đã gần 50 năm.
Nhưng tất cả như còn hiển hiện rõ mồn một, vị tướng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn và những câu chuyện của ông vẫn như còn nóng hổi và gây kinh ngạc cho những ai tìm hiểu về sự tài ba, giản dị của ông. Danh tướng vừa là người có đầu óc tổ chức chiến trường đặc biệt vừa là người có tầm chiến lược, sự quyết đoán trong những tình huống sinh tử.
Tầm nhìn chiến lược
Thiếu tướng Võ Sở là bạn chiến đấu của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Từ năm 1964, Tướng Võ Sở được điều vào mặt trận Trường Sơn làm Trưởng Ban tổ chức, đến năm 1974 làm Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Năm nay ông đã 90 tuổi, nhưng người còn chắc khỏe, giọng nói vang rõ.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh: Khác với hệ thống vận chuyển khí tài, lương thực… lên Điện Biện năm 1954 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Trường Sơn là một mặt trận, chứ không chỉ là đường giao thông, chuyển người và quân dụng từ miền Bắc chi viện cho miền Nam.
Trường Sơn cũng là chiến trường đụng độ trực tiếp giữa hai bên. Địa bàn Trường Sơn rộng lớn, gồm 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Trung và Nam Lào, 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Mỹ cũng như phía ta đều xác định Trường Sơn là địa bàn chiến lược, trọng yếu, bên nào giành được, bên đó sẽ kiểm soát, không chế toàn bộ vùng đồng bằng duyên hải Trung bộ và Nam bộ, và có nhiều cơ hội thắng trong cuộc chiến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên ở Trường Sơn.
Do vậy, sức mạnh quân sự của địch được huy động tối đa, từ không quân, bộ binh, hải quân đánh phá Trường Sơn ác liệt hòng ngăn chặn bước tiến, tuyến chi viện của quân ta. Thiếu tướng Võ Sở chia sẻ: “Mỹ dùng lực lượng mạnh nhất, kỹ thuật tiên tiến nhất lúc đó, chỉ trừ không dùng bom hạt nhân, hòng ngăn chặn bước tiến của ta”.
Nhưng trong muôn vàn khó khăn, từ địa hình phức tạp, trước sự đánh phá ác liệt của địch, đội ngũ Trường Sơn ngày càng lớn mạnh, những con đường Trường Sơn ngày càng vươn dài, tỏa ra nhiều nhánh… Ở đây, như tướng Võ Sở nói, cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, sự cống hiến mồ hôi, xương máu của hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, cũng ghi dấu ấn không nhỏ của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.
Một trong những tư tưởng chủ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là “Tư tưởng tiến công”: Không né tránh địch mà chủ động “đánh để tiến”. Về vận tải, lấy ô tô làm chủ lực. Nếu như, trước kia dùng gùi thồ làm phương tiện vận chuyển chủ yếu, sau đó có dùng ô tô nhưng đi lẻ tẻ thì dưới thời của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên, ông cho tổ chức hàng đoàn xe đi với nhau.
Qua đó, cách tiếp xăng dầu cũng khác. Lúc này đường ống xăng dầu vượt sông suối, núi rừng dài 1.400km, vào đến Bù Gia Mập với kho chứa 12.525m3, 114 trạm bơm đẩy… Hệ thống xăng dầu này cùng với cách cấp phát linh hoạt khiến tuyến vận tải cơ giới của ta đủ nhiên liệu. Khác với trước kia, xăng dầu đi vào Nam được gùi, cõng, nhiều người phải bỏng do xăng thấm ra, rồi hy sinh do bom đạn mà lượng cung cấp cho chiến trường rất ít ỏi.
Với lực lượng vận chuyển chỉ tận dụng đường mòn, cự ly vận chuyền ngắn, đường Trường Sơn ngày càng dài ra, không chỉ một con đường mà có 5 trục dọc, 21 trục ngang với tổng chiều dài 20.000km, và tuyến đường kín dài tới 3.100km… Đó là chưa kể những con đường nhỏ chằng chịt khác.
Tất cả tạo nên một “trận đồ bát quái” khiến giặc Mỹ ngán ngẩm. Để làm đường, cầu cống, ngoài sức người, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cho xe, máy vào làm dưới bom đạn địch mà cứ như trên công trường thời bình, với phương châm đường Trường Sơn là để cho cả đại quân với những chiến xa, ô tô rùng rùng chuyển động.
 Giây phút hạnh phúc cùng gia đình (ảnh tư liệu do gia đình cung cấp).
Tổ chức sáng tạo, kiên quyết
Cũng có lúc, đó là vào những năm 1968, 1969, do chiến trường quá ác liệt, sức mạnh kỹ thuật quân sự của Mỹ phô diễn khủng khiếp, có người đã dao động muốn trở lại cách vận chuyển gùi thồ xưa, tránh địch là chủ yếu. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã phân tích điểm yếu “chết người” của Mỹ, như lời của Thiếu tướng Võ Sở: Mỹ không thể cho máy bay ném bom cùng một lúc cả dãy Trường Sơn, cũng không thể đánh bom suốt 24/24 giờ.
Đó là kẽ hở chúng ta khai thác được và thắng Mỹ trên chiến trường Trường Sơn. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên phân tích thêm: Lực lượng của ta ở núi rừng Trường Sơn, người dưới mặt đất là người làm chủ tình thế.
Từ đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu các cấp chỉ huy không ngại khó, ngại khổ với 4 trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; Trực tiếp đôn đốc, kiểm tra; Trực tiếp giải quyết khó khăn; Trực tiếp rút kinh nghiệm tại chỗ. Chính vị Tư lệnh là người gương mẫu thực hiện những yêu cầu này. Ông là một trong những chỉ huy hiểu từng ngọn cỏ, lá cây, hòn sỏi, từng mét vuông đất Trường Sơn.
Về mặt tổ chức, mặt trận Trường Sơn được tổ chức thành những binh trạm, mỗi binh trạm phụ trách khoảng 100 - 130km đường. Đến năm 1970, nhận thấy mô hình binh trạm không còn đáp ứng được nhu cầu mới Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đề nghị thành lập 5 khu vực, mỗi khu vực là một Bộ Tư lệnh tương đương cấp sư đoàn. Mỗi khu vực có một số binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc, có nhiệm vụ chiến đấu hiệp đồng binh chủng… Với sự đổi mới này nhiều sư đoàn, binh chủng mới được thành lập.
Về cách đánh, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng có những sáng tạo khi cho pháo cao xạ bố trí lại trận địa bám sát các mục tiêu bảo vệ. Tướng Võ Sở nhớ lại, lúc bấy giờ nòng pháo quay theo hướng xe của ta chạy để bảo vệ. Pháo 14,5 ly, súng 12,7 ly được đưa lên cao điểm “vít cổ máy bay” của địch xuống.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - vị tướng huyền thoại của Trường Sơn.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng yêu cầu bộ đội công binh phải xây dựng công sự bám trụ ở ngay trọng điểm, lấy chốt trọng điểm như trận địa chiến, tăng cường công cụ cải tiến, tăng máy xúc, xe ben, thuốc nổ để giảm bớt người mà vẫn ứng cứu khắc phục nhanh những trận phá hoại của địch. Kết hợp chống phá hoại với mở rộng mặt đường, thực hiện “địch càng đánh thì mặt đường càng rộng, xe qua càng nhanh”…
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó là Macnamara thừa nhận: “Mọi người vẫn thấy một khối lượng lớn người và của vẫn tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam, thế nhưng không thể làm thế nào ngăn chặn được nó”.
Đặc biệt, như trên đã nói, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã cho tổ chức xe vận tải di chuyển theo từng đội, đại đội, tiểu đoàn, có chỉ huy chặt chẽ; tránh lối đi từng chiếc, từng tốp nhỏ, tự do, tùy tiện. Đặc biệt, ông cho phân tích quy luật đánh phá của địch để định thời gian xe ta lăn bánh, lợi dụng sương mù, lợi dụng pháo sáng của địch mà đi, chạy “lấn sáng, lấn chiều” tranh thủ máy bay địch chưa hoạt động…
Các binh trạm cũng được yêu cầu: Không phải dừng lại ở chỉ đạo mà chuyển hẳn sang chỉ huy hợp đồng chiến đấu. Binh trạm thành tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự của bộ đội hiệp thành, biết nắm và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự trong chiến đấu, chứ không phải chỉ tổ chức vận tải đơn thuần như trước.
Với tầm nhìn đó, với tư duy sáng tạo cũng như lòng quyết tâm cao độ đó đã giúp bộ đội Trường Sơn ngày càng lớn mạnh. Từ lực lượng mở đường 500 người ban đầu ngày thành lập 19/5/1959, với tên gọi “Đoàn công tác Quân sự đặc biệt”, rồi “Bộ Tư lệnh 559”, “Bộ Tư lệnh Trường Sơn”, Bộ đội Trường Sơn với binh chủng hợp thành có 100.000 người và 10.000 thanh niên xung phong. Lực lượng này vừa tác chiến tại chỗ, bảo vệ hành lang chi viện, mở rộng vùng giải phóng… Trường Sơn không chỉ là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến mà còn có bác sĩ, y tá, văn công, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…
Trong 16 năm, để ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, địch đã thực hiện 733.000 trận oanh kích đủ loại máy bay, trút 4 triệu tấn bom đạn (chiếm một nửa tổng số bom đạn ném xuống toàn Việt Nam). Nhưng, lực lượng Trường Sơn ngày càng lớn mạnh, hệ thống giao thông ngang dọc càng chằng chịt, càng lớn hơn, với đường ống xăng dầu được mang danh “Dòng sông mang lửa”, đường dây thông tin liên lạc…
Thiếu tướng Võ Sở tự hào: Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!”. Để đáp ứng chiến lược thần tốc đó, bộ đội Trường Sơn với 2 sư đoàn xe ô tô vận tải chiến đấu, hơn 6.000 xe các loại, đã giúp vận chuyển bộ đội nhanh chóng tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Trường Sơn với rừng đại ngàn, những đỉnh núi cao hùng vĩ với những huyền thoại về thần lửa, thần nước, các tù trưởng hùng mạnh, những trường ca, với tiếng cồng chiêng của các đồng bào Bahna, Gia Rai, Ê Đê… là nơi thân thuộc của vị tướng “Tư lệnh Trường Sơn” Đồng Sỹ Nguyên.
Ông mới đây đã trở về với đất mẹ, với quê hương Quảng Trạch, Quảng Bình, với núi rừng Trường Sơn mãi mãi. Chúng tôi đến nhà ông ở phố nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội để được nhìn di ảnh của ông, thắp nén hương thơm, nhớ về một vị tướng nhìn xa, trông rộng, tài tổ chức siêu việt về một binh chủng hợp thành.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có 8 năm gắn bó với Trường Sơn trên cương vị là Tư lệnh. Trường Sơn là nơi thể hiện nhiều nhất tầm vóc, trí tuệ của ông: Danh tướng huyền thoại của Trường Sơn huyền thoại. Nơi đó, không chỉ có chiến thắng vẻ vang với kỳ tích làm cầu đường, đường ống dẫn dầu, những trận đánh thắng lợi vang dội mà còn là những hy sinh mất mát để có được ngày hội toàn thắng 30/4. Ông là người hiểu rõ nhất điều đó và là vị tướng rất thương cho lính của mình.
Năm cuối khi chiến tranh chống Mỹ sắp kết thúc, ông đã nghĩ đến một nơi yên nghỉ cho liệt sĩ Trường Sơn, và đã góp phần xây dựng nên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Sau giải phóng miền Nam, trở về thời bình, ông luôn có mặt ở Trường Sơn, để thăm đồng đội, hình thành những dự án lớn về trồng rừng, làm đường Hồ Chí Minh, một con đường giao thông có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế đất nước thời bình.