Đào lâu lấp ẩuMột số tuyến đường, phố như: Nguyễn Du, Lê Duẩn, Thợ Nhuộm, Trần Cung, Trung Văn… những ngày qua bỗng dưng vỉa hè bị cậy đi lát lại, hoặc mép đường bị đào lên để hạ ngầm cáp điện, viễn thông… Đáng nói là sau khi các đơn vị thi công ung dung rút đi, hè đường bị để lại trong thảm trạng ngổn ngang, nham nhở.
|
Đoạn phố Trung Văn giáp đường Tố Hữu bị đào lên rồi bỏ mặc nhiều tuần nay |
Một người dân phố Thợ Nhuộm cho biết, bỗng nhiên thấy một đơn vị thi công đến đào hết vỉa hè lên, chúng tôi thắc mắc thì được biết là đào lên để thay thế mới. “Chưa hiểu vì sao vỉa hè với bó vỉa còn mớimà phải làm lại. Nhưng cứ nhìn cảnh ngập ngụa gạch, vữa… lại thấy mệt mỏi vô cùng”.
Tương tự, đường Lê Duẩn, phố Nguyễn Thượng Hiền, Yết Kiêu… cũng bị lật tung lên để hạ ngầm hoặc sửa chữa đường nước, nhưng khi xong việc chỉ lấp trả bằng đá dăm cấp phối.
Phố Trung Văn, đoạn giao với đường Tố Hữu, ngay trước cổng UBND phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) cũng bị đào lên rồi “phủ tạm” bằng cát nhiều tuần qua. Một số phương tiện qua lại đây đã bị trật bánh, loạng choạng thậm chí đổ, ngã vì đi vào lớp cát trơn trượt.
Phố Trần Cung (Bắc Từ Liêm), đoạn từ số nhà 121 đến gần ngõ 171 cũng bị xới tung một bên đường để hạ ngầm đường dây điện. Lúc đơn vị thi công thì có dựng hàng rào cảnh báo, nhưng xong xuôi, dỡ rào đi, đơn vị lại “để quên” mặt đường nham nhở không khôi phục.
Người dân khu vực này thắc mắc, không biết cơ quan quản lý, cấp phép cho đào bới đường có giám sát không hay chỉ cấp phép mà không hậu kiểm, để mặt đường cứ đào rồi lại lấp, như một tấm áo rách vá chằng vá đụp, hư hỏng kết cấu mặt đường?
Mạnh ai nấy làmLiên quan đến tình trạng đào bới hè đường rồi bỏ đi một cách vô trách nhiệm của nhiều đơn vị, Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, hàng năm, lực lượng thanh tra GTVT đều có xử phạt các chủ dự án đào đường, vỉa hè không đáp ứng quy định.
|
Ngã ba Trần Nhân Tông - Lê Duẩn, đường hè ngổn ngang sau đào bới |
Các lỗi vi phạm chủ yếu là: chưa bảo đảm VSMT trong quá trình thi công; không trang bị đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn; thi công không đúng giấy phép được cấp; không có người gác thường xuyên để hướng dẫn giao thông và địa điểm tập kết vật liệu xây dựng, không hoàn trả mặt đường bảo đảm chất lượng…
Tuy nhiên, hiện có quá nhiều đơn vị cấp phép đào đường, vỉa hè; mỗi đơn vị chịu một ít trách nhiệm, chồng chéo, phức tạp. Một số công trình do chính quyền địa phương cấp phép, khi thi công còn không thông báo gì với Đội địa bàn nên nên việc giám sát, xử lý triệt để tình trạng thi công ẩu còn gặp nhiều hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, Sở GTVT Hà Nội Lương Đức Thắng cho biết, hiện cả Sở Xây dựng, Sở GTVT và chính quyền quận, huyện đều có quyền cấp phép đào đường hè, tùy theo khu vực.
Trung bình mỗi năm, Sở GTVT Hà Nội cấp khoảng 100 - 120 giấy phép cho các đơn vị thi công; hầu hết là các công trình phục vụ dân sinh như cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông… Riêng việc cấp phép xử lý sự cố như vỡ đường ống dẫn nước sinh hoạt, sập cống thoát nước, nổ dây điện, đứt cáp viễn thông… được cấp phép đào hè đường để khắc phục ngay trong ngày, có hôm lên tới 3 - 4 vụ.
Quá trình thi công Thanh tra Sở vẫn kiểm tra, giám sát thường xuyên, Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo đảm chất lượng công trình cũng như bảo đảm ATGT trong quá trình thi công, hoàn trả mặt đường đúng hiện trạng ban đầu. “Nhưng đó là riêng phía Sở, còn các đơn vị khác thì rất khó nắm bắt được hết” - vị đại diện Sở GTVT Hà Nội chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thảo (Mộ Lao, Hà Đông) bức xúc nói: “Thực trạng này cũng là một phần nguyên nhân khiến TP phải chi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng để tu sửa đường sá mỗi năm. Nhiều đơn vị thi công chỉ biết xong phần việc của mình rồi bỏ đi, để lại những “bãi chiến trường” làm khổ người dân, hao tốn tiền của cho Nhà nước”.