Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo các ngành khoa học cơ bản: Giảm quy mô, nhưng tiếp tục đầu tư

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/6, bên lề Lễ trao bằng cử nhân năm học 2017 – 2018, khi trả lời phỏng vấn phóng viên về “vận mệnh” của các ngành khoa học cơ bản, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) – ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định, có rất nhiều thử thách ở phía trước.

  PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) – ĐH Quốc gia Hà Nội 
Ủng hộ sinh viên tốt nghiệp sớm

Thưa ông, trường ĐH KHXH&NV trao bằng cử nhân lần 2 cho cho 663 sinh viên. Ông có thể thông tin rõ hơn về số sinh viên được nhận bằng tốt nghiệp lần 1?

- Tháng 3/2018, nhà trường xét tốt nghiệp lần 1 gần 300 sinh viên. Điều phấn khởi là, ngoại trừ 20 – 30 em khóa trước tốt nghiệp muộn, còn khoảng gần 250 em tốt nghiệp sớm, chủ yếu ra trường sớm hơn 6 tháng so với quá trình đào tạo. Thực tế, xét tốt nghiệp lần hai này có hơn 700 sinh viên, nhưng một số em xin rút để học cải thiện 1, 2 môn nhằm đạt điểm tốt, nhận bằng giỏi. Vì thế nhà trường đã tạo điều kiện cho các em. Như vậy tỷ lệ tốt nghiệp của nhà trường vẫn đạt mục tiêu 90 – 93% theo quy định.
Làm thế nào để trong năm tới, trường có số sinh viên tốt nghiệp sớm nhiều hơn con số 250 như 6 tháng của đầu năm 2018?

- Nhà trường đã có định hướng trong thời gian tới sẽ rà soát, chấn chỉnh lại quy trình đạo tạo tốt hơn nữa, giúp các em có thể rút ngắn thời gian học. Việc này hoàn toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được thể hiện trong ban hành Khung đào tạo trình độ quốc dân quy định thời gian đào tạo cử nhân từ 3 – 5 năm. Trường KHXH&NV đã có thâm niên đào tạo tín chỉ được 12 năm, cộng với nhiều kiến thức tích lũy thì hoàn toàn tự tin với việc điều chỉnh quy trình đào tạo. Những sinh viên có ý chí và kế hoạch học tốt, năng lực ngoại ngữ tốt, việc tốt nghiệp sau 3 năm là chuyện rất bình thường. Nếu các em đảm bảo quy chế và đáp ứng đúng yêu cầu về chất lượng đào tạo thì trường hoàn toàn ủng hộ tốt nghiệp sớm.
Tân cử nhân trường Đại học KHXH&NV tham gia ứng tuyển tại Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp. Ảnh: Trần Oanh
Chú trọng đào tạo liên ngành

Hiện nay cả nước đang đào tạo theo nhu cầu thị trường, trường ĐH KHXH&NV vẫn có những ngành đào tạo truyền thống, vậy làm sao để hòa vào dòng chảy này?

- Nhà trường có 24 ngành đào tạo bậc ĐH, trong đó khoảng gần một nửa số ngành truyền thống (khoa học cơ bản). Phải thừa nhận, ngành khoa học cơ bản của Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thử thách. Trước thực tế này, phải có giải pháp điều chỉnh, tích hợp các cơ cấu. Có thể về quy mô, các ngành khoa học cơ bản không nhất thiết có ở nhiều địa phương mà đầu tư ở những địa bàn trọng điểm để có chất lượng, chiều sâu hơn.

Trường ĐH KHXH&NV đã có đầu tư thế nào cho các ngành khoa học cơ bản để sinh viên tốt nghiệp xin được việc làm ngay?

- Hiện nay trường đã cơ bản rà soát xong thực trạng của các ngành khoa học cơ bản. Trong dịp hè này sẽ đánh giá lại lần nữa sự phát triển của nó trong xu hướng vận động của xã hội thời gian qua. Chủ trương của nhà trường là vẫn tiếp tục đầu tư, đẩy mạnh các ngành khoa học cơ bản - bởi đây là mảng cốt lõi mà bất kỳ quốc gia, xã hội, dân tộc nào cũng cần phải quan tâm. Chúng tôi dự kiến, có thể giảm bớt quy mô đào tạo ở một số ngành, nhưng vẫn phải đảm bảo đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất cũng như các điều kiện học tập, giảng dạy tốt cho sinh viên và giảng viên. Về lâu dài, nhà trường đã xác định các ngành khoa học cơ bản phải làm nền tảng cho những ngành khoa học ứng dụng để phát triển chắc hơn, tốt hơn. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến kiến thức nền tảng tốt cho các em về mặt lý luận, phương pháp, tư duy, tính logic, tính hàn lâm, cổ điển, kinh điển.

Cấp độ thứ hai là tạo ra các ngành mới trên cơ sở các liên ngành nhà trường hiện có. Hiện nay, nhà trường đã xây dựng xong ngành lai giữa khoa học xã hội và trường ĐH Kinh tế là cử nhân Kinh tế và Quản lý và 3 chuyên ngành thạc sĩ (Quản trị kinh doanh nghệ thuật, Kinh tế du lịch, thạc sỹ Quản trị báo chí truyền thông). Chúng tôi hy vọng, khi được lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội thông qua thì năm 2019 nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh các ngành và chuyên ngành mới mang tính liên ngành này.

Xin cảm ơn ông!